Tăng cường giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội

Trong 9 tháng năm 2023, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tham mưu cho Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện toàn diện các hoạt động, đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng.

Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Tính đến ngày 30/9/2023, tổng nguồn vốn của đơn vị đạt 3.233 tỷ đồng, tăng 290,3 tỷ đồng so với năm 2022. Tổng doanh số cho vay trong 9 tháng đạt hơn 836 tỷ đồng/21.595 hộ; nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng hiện đạt 3.227,2 tỷ đồng, với hơn 78.700 khách hàng/101.352 món vay còn dư nợ, tăng gần 292 tỷ đồng so với đầu năm. Để đạt kết quả trên, ngay từ đầu năm các phòng giao dịch 7 huyện, thành phố chủ động triển khai các giải pháp củng cố, duy trì ổn định hoạt động tại 65 điểm giao dịch xã, phối hợp cùng với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp bình xét, thực hiện cho vay đảm bảo dân chủ, công khai trong các buổi giao dịch hằng tháng, tạo thuận lợi cho hộ vay kịp thời có vốn sản xuất, kinh doanh.

Cán bộ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn.

Song song đó, các phòng giao dịch triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng đạt nhiều kết quả tích cực, với doanh số cho vay từ khi thực hiện chương trình đạt 236,7 tỷ đồng/5.236 lượt khách hàng được vay vốn. Để nguồn vốn phát huy đúng mục đích, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các phòng giao dịch huyện còn phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp ký kết kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát vốn vay; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng CSXH, phổ biến các nội dung cho vay mới, quyền lợi và trách nhiệm sử dụng vốn và thực hiện đầy đủ quy định trả nợ gốc, lãi; làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn, lãi tồn đọng để tăng nguồn thu, tạo lập vốn cho vay xoay vòng, nhờ đó chất lượng tín dụng luôn ổn định và không ngừng nâng cao.

Hầu hết các chương trình cho vay đều được ngành chức năng, địa phương hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp hộ vay xây dựng hiệu quả các mô hình sản xuất phù hợp. Chị Hán Thị Lít, thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu (Ninh Phước), chia sẻ: Với hơn 40 triệu đồng từ chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh, tôi đầu tư nuôi 5 con heo, gà thả vườn và trồng 6 sào lúa, ổn định cuộc sống. Nhờ sự đồng hành thiết thực của cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH, Hội Phụ nữ xã trong việc tuyên truyền, định hướng cách làm ăn, giúp tôi đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả. Ngoài ra, ngân hàng còn tạo điều kiện cho vay 45 triệu đồng vốn chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp các con của tôi có thêm chi phí trang trải học tập.

Ông Lê Minh Lộc, cho biết thêm: Để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng giao từ nay đến cuối năm, chi nhánh tập trung tham mưu cho UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp và phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức giải ngân nhanh các chương trình tín dụng theo Nghị Quyết số 11/NQ-CP, chương trình cho vay học sinh, sinh viên, nhà ở xã hội và cho vay theo Nghị định số 28/2022 của Chính phủ. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn; nâng chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; hội, đoàn thể nhận ủy thác và chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã. Phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam và UBND tỉnh giao.