Phát huy sức trẻ trong chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu trong thời đại ngày nay, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tỉnh ta phát huy vai trò xung kích làm chủ công nghệ, đi đầu trong CĐS, ứng dụng công nghệ số (CNS) bằng nhiều phần việc cụ thể, thiết thực.

Huyện đoàn Thuận Nam đưa vào sử dụng hệ thống quét mã QR di tích lịch sử cấp tỉnh tại thôn Thiện Đức, xã Phước Ninh. Ảnh: Diễm My

Bẫy đá Pi Năng Tắc đi vào lịch sử đánh giặc giữ nước của dân tộc ta như một huyền thoại, gắn liền với tên tuổi của người sáng tạo là Anh hùng Lực lượng vũ trang Pi Năng Tắc. Để người dân, du khách có thể dễ dàng tìm hiểu về bẫy đá huyền thoại này, vừa qua Tỉnh đoàn tích hợp hình ảnh, thông tin giới thiệu về di tích trong mã QR, góp phần quảng bá giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương. Em Phan Nam Phong, học sinh lớp 8, Trường Tiểu học và THCS Lê Đình Chinh chia sẻ: Nhờ ứng dụng quét mã QR trên bản đồ số địa chỉ đỏ giúp em cũng như du khách có thể tìm hiểu văn hóa, lịch sử truyền thống một cách dễ dàng, thuận tiện, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng, tinh thần cách mạng của địa phương cho thế hệ trẻ chúng em. Bẫy đá Pi Năng Tắc là một trong 14 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh được Tỉnh đoàn xây dựng và công bố trên bản đồ số địa chỉ đỏ Ninh Thuận. Với hình thức trực tuyến tiện lợi, dù mới ra đời nhưng bản đồ số địa chỉ đỏ thu hút trên 3.535 lượt truy cập, giúp người dân, du khách dễ dàng tìm hiểu nhiều thông tin hơn so với phương thức truyền tải truyền thống.

Đồng chí Huỳnh Hữu Phúc, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Bản đồ số địa chỉ đỏ chỉ là một trong nhiều công trình, phần việc sáng tạo về CĐS sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết số 09-NQ/TU). Để Nghị quyết số 09-NQ/TU được triển khai đồng bộ, hiệu quả, cùng với việc ban hành 13 văn bản chỉ đạo điều hành, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của ĐVTN về CĐS. Nhờ vậy, tất cả các cơ sở đoàn đều tiên phong tham gia xây dựng hệ thống website, fanpage nhằm giáo dục thanh, thiếu nhi; số hóa các tài liệu của đoàn, tổ chức hoạt động, hội nghị, hội thi trực tuyến, cài app Thanh niên Việt Nam, sử dụng phần mềm quản lý đoàn viên... Để ĐVTN chủ động nắm bắt thông tin, toàn bộ những văn bản, kết quả hoạt động của tổ chức đoàn đều được đăng tải công khai trên Trang tin điện tử Tỉnh đoàn dưới dạng tin, bài, video clip, infographic, poster... ngắn gọn, súc tích thu hút hơn 104.000 lượt truy cập, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Nhằm nâng cao năng lực số cho ĐVTN tỉnh nhà, đào tạo nguồn nhân lực số phục vụ quá trình CĐS của tỉnh, đoàn thanh niên các cấp đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động như: Tập huấn kiến thức, kỹ năng CĐS trong hoạt động đoàn, hội; CĐS cho thanh niên khởi nghiệp, xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới văn minh...

Là thành viên nòng cốt tại các Tổ CNS cộng đồng, lực lượng ĐVTN các địa phương tổ chức 127 đợt ra quân, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác CĐS đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn cho trên 7.500 lượt người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến,... Phối hợp với các ngân hàng hướng dẫn cài đặt, mở tài khoản thanh toán điện tử qua điện thoại thông minh đến người dân, từng bước hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Dù đã hơn 60 tuổi nhưng ông Lê Văn Bốn, khu phố 3, phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) vẫn cập nhật đầy đủ các app trên điện thoại. Ông chia sẻ: Nhờ có sự hướng dẫn tận tình của các ĐVTN ở phường mà tôi đã tạo thành công tài khoản cá nhân trên dịch vụ công, có thể sử dụng thành thạo nhiều dịch vụ thanh toán thông qua điện thoại.

Đoàn viên, thanh niên phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) hướng dẫn người dân đăng ký,
sử dụng tài khoản định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến.

Những kết quả đạt được vừa qua là nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đoàn trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện CĐS, đơn vị gặp nhiều khó khăn như việc chỉ đạo thực hiện gửi, nhận văn bản trên trục liên thông giữa cơ quan Tỉnh đoàn (sử dụng E-Office) và nhiều cơ quan khác (sử dụng TD-Office) chưa được thông suốt; nhận thức về CĐS của ĐVTN vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu...

Để phát huy vai trò của tuổi trẻ tiên phong trong CĐS, trong buổi làm việc mới đây của Đoàn giám sát 1521 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Tỉnh đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt quan điểm, tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU tạo sự lan tỏa sâu rộng trong ĐVTN; khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo CĐS để các hoạt động của tổ chức đoàn từng bước được đổi mới, phù hợp với thời đại CNS; tích cực ứng dụng CNS trong công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi của tỉnh. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ CNS cộng đồng để tham gia tuyên truyền, phổ biến kiến thức về CĐS cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao năng lực số cho người dân, giúp họ tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ số; Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU trong các cơ sở đoàn; đẩy mạnh phong trào “3 trách nhiệm” nhằm khích lệ công chức, viên chức trẻ tham gia ứng dụng CĐS trong thực thi công vụ, tham gia xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.