Tin tổng hợp

* Thực hiện Quyết định số 326/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Ninh Thuận, sau gần 7 năm triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trên lĩnh vực Nông nghiệp, tỉnh triển khai thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng cạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; ứng dụng khí sinh học trong chăn nuôi; phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đến cuối năm 2022 đã phát triển 190,4 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã thu hút 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động cho sản phẩm giá trị cao. Gồm: gồm 18 dự án trồng trọt, 03 dự án chăn nuôi, 08 dự án thủy sản, 02 dự án chế biến nông sản. Một số sản phẩm đặc thù khẳng định được lợi thế cạnh tranh, có thương hiệu như: bưởi da xanh, dưa lưới, măng tây xanh, nho, táo, heo bản địa, dê, cừu, bò vàng...

Trang trại nho Ba Mọi (Ninh Phước) trồng giống nho mới - Nho ngón tay đen không hạt. Ảnh: Văn Nỷ

Đối với một số loại cây trồng đặc thù nhất là cây nho đã được quan tâm đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất, đến nay, diện tích nho theo tiêu chuẩn VietGAP đã được mở rộng trên 200 ha và cấp 110 giấy chứng nhận VietGAP cho 1.197 hộ dân trồng nho. Công tác phát triển rừng được tập trung triển khai hiệu quả thông qua triển khai dự án trồng rừng do JICA tài trợ, đến cuối năm 2022 độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 47,11%. 

* Lĩnh vực năng lượng tái tạo, tỉnh tập trung thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo hướng đến xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Dự kiến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 58 dự án năng lượng đưa vào vận hành với tổng công suất 3.870,2 MW, gồm: 37 dự án điện mặt trời/2.587 MW, 11 dự án điện gió/667,3 MW, 10 dự án thủy điện/329,5 MW và 286,4 MW điện mặt trời mái nhà, tạo ra sản lượng điện trên 7,6 tỷ KWh, chiếm trên 16,5% tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo cả nước.

Năng lượng điện gió được đầu tư ở Phước Dinh (Thuận Nam).Ảnh: Văn Nỷ

Các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh đóng góp quan trọng trong làm giảm phát thải khí nhà kính với tỷ lệ giảm phát thải 97,9% so với sử dụng điện truyền thống (điện than), góp phần thực hiện các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; phát huy hiệu quả sử dụng đất đối với diện tích đất khô cằn, hoang hóa, không phát triển được nông nghiệp, nâng giá trị giá trị đất sản xuất hàng năm khi chuyển sang sản xuất điện mặt trời lên khoảng 3,84 tỷ đồng/ha. Đồng thời, tiềm năng và lợi thế về năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực đã tạo động lực lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế khác, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược, huy động được nhiều nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển, nhiều dự án quy mô lớn đã và đang đầu tư phát huy hiệu quả, tạo động lực mới, sức bật mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.