Hiệu quả mô hình trồng cây cà tím Nhật Bản ứng dụng công nghệ cao

Trên địa bàn huyện Ninh Sơn nhiều nông hộ đang áp dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp không những góp phần nâng cao giá trị kinh tế của các loại cây trồng và tăng thu nhập cho nông dân, đây còn là bước khởi đầu để nâng cao giá trị nông sản đạt các tiêu chuẩn như: OCOP, VietGAP, GlobalGAP... để có thể xuất khẩu. Trong đó, mô hình trồng cây cà tím theo CNC ở xã Lương Sơn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là một điển hình.

Tại thôn Trà Giang 4, xã Lương Sơn, anh Nguyễn Đức Dũng đang trồng cây cà tím Nhật Bản theo CNC để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với quy mô gần 20 ha tập trung ở các khu vực như: Thôn Trà Giang 4, thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) và xã Phước Hòa (Bác Ái). Anh Dũng cho biết: Hiện vườn đang cho thu hoạch hơn 3 ha, số còn lại đang giai đoạn cây con và đang chuẩn bị xuống giống. Chi phí đầu tư khoảng 120-130 triệu/ha/năm đối với năm đầu tiên, năm thứ 2 khoảng 60-70 triệu/ha. Cà tím Nhật Bản từ khi trồng đến lúc bắt đầu thu hoạch khoảng 60-70 ngày và được thu hoạch trong khoảng 8 tháng. Năng suất trung bình khoảng 110-120 tấn/ha/năm với giá bán cố định 5.500 đồng/kg thì mỗi năm sau khi trừ chi phí, thu về khoảng 485-540 triệu/ha.

Nông dân xã Lương Sơn (Ninh Sơn) chăm sóc cây cà tím Nhật Bản.

Vườn cà của anh Dũng được áp dụng trồng theo CNC nên việc chăm sóc rất thuận tiện và giảm được rất nhiều chi phí nhân công, vật tư. Việc tưới nước và bón phân áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, chỉ cần 1-2 người điều khiển máy, pha phân bón và kiểm tra trong quá trình vận hành là có thể tưới nước và bón phân cho diện tích khoảng 3 ha. Thuốc bảo vệ thực vật cũng được anh Dũng kiểm soát rất chặt trẽ, với phương châm phòng bệnh hơn trị bệnh, nên anh Dũng chỉ sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để bảo vệ môi trường và các loài thiên địch có ích cho vườn cà.

Cây cà tím Nhật Bản là loại cây trồng mới trên địa bàn huyện Ninh Sơn, với giá trị kinh tế cao như hiện nay, hy vọng có thể mở rộng quy mô để góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây cho giá trị kinh tế thấp sang cây có hiệu quả kinh tế cao hơn và nâng cao nguồn thu nhập cho người nông dân tại huyện Ninh Sơn.