Nhiều mô hình hiệu quả
Đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được UBND huyện cụ thể hóa triển khai chỉ đạo thực hiện bằng các Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch phát triển SXNN gắn với tái cơ cấu như: Đề án phát triển các vùng SXNN tập trung huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030; Đề án tổ chức lại SXNN; Đề án phát triển vùng cây ăn quả; Đề án phát triển vùng nguyên liệu ớt gắn với tiêu thụ sản phẩm; Chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm; đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận với các doanh nghiệp, hợp tác xã và cung cấp thông tin các sản phẩm ra thị trường bằng cách đưa các sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm và các lễ hội,... Hiện tại, Ninh Sơn có 75 chuỗi liên kết với trên 50 tác nhân tham gia gồm các doanh nghiệp, hộ dân sản xuất và các hợp tác xã (KTX) liên kết. Các xã Nhơn Sơn, Mỹ Sơn, Lâm Sơn, Lương Sơn, Quảng Sơn, Hòa Sơn và thị trấn Tân Sơn là địa phương thực hiện tốt liên kết sản phẩm của các khâu sản xuất, tiêu thụ, chế biến với các sản phẩm chủ lực: lúa, bắp, táo, ớt, lợn. Điển hình là mô hình sản xuất lúa giống của Công ty cổ phần giống cây trồng Đông Nam liên kết với Tổ hợp tác Tổ 5 (Mỹ Sơn), Tổ hợp tác sản xuất lúa giống thôn Lương Tri (Nhơn Sơn) sản xuất với diện tích khoảng 350 ha, năng suất lúa bình quân 65-70 tạ/ha, sản lượng khoảng 2.750 tấn; mô hình sản xuất lúa thương phẩm của Công ty Lộc Trời liên kết với HTX Tân Lập 2 (Lương Sơn) với diện tích 50 ha, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 350 tấn; mô hình sản xuất bắp nhân giống giữa Công ty cổ phần giống cây trồng Đông Nam liên kết với HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mỹ Sơn, quy mô 250 ha, năng suất bình quân đạt 65-70 tạ/ha, sản lượng 1.750 tấn; HTX Nho táo Nhơn Sơn liên kết với doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh sản xuất táo theo hướng an toàn, VietGAP, quy mô 5 ha, năng suất bình quân đạt 35 tấn/ha/vụ. Đối với 28 liên kết sản xuất trong chăn nuôi lợn luôn ổn định và duy trì bình quân 03 lứa/năm với lượng tổng đàn trên 28.000 con.
Nông dân xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) thu hoạch táo. Ảnh: Kim Thùy
Để chuỗi giá trị bền vững
Các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và người nông dân đang phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản của huyện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được nhân rộng trên địa bàn; tỷ lệ các hộ, các trang trại, gia trại tham gia liên kết sản xuất chỉ đạt khoảng 3-4% so với mặt bằng sản xuất chung; mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản vẫn còn lỏng lẻo, sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều… Nguyên nhân là do quy mô SXNN của huyện còn nhỏ lẻ, manh mún nên trong quá trình tổ chức triển khai, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu hàng hóa đầu ra với quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn; doanh nghiệp chế biến, phân phối hoặc bao tiêu sản phẩm khó ký kết hợp đồng đơn lẻ với hàng trăm hộ nông dân với quy mô sản xuất và trình độ canh tác khác nhau.
Đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho biết thêm: Để tập trung tháo gỡ các khó khăn, huyện Ninh Sơn đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản; cũng như tổ chức lại SXNN để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, huyện sẽ hoàn thiện quy hoạch vùng SXNN tập trung các cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn huyện; tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập hồ sơ, quy trình các sản phẩm OCOP; chỉ đạo các ngành, địa phương duy trì ổn định các liên kết sản xuất trên cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao và mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và giá trị sản xuất. Tiến tới mở rộng liên kết ổn định đối với các trang trại chăn nuôi liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và liên kết giữa doanh nghiệp với hộ gia đình hay HTX nông nghiệp; đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các vùng SXNN tập trung nhằm thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào SXNN; nâng cao chất lượng các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu trên địa bàn huyện nhằm đưa sản phẩm đặc thù Ninh Sơn đến gần với các thị trường khó tính trong và ngoài tỉnh…
Trong năm 2023, huyện sẽ chú trọng đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nông nghiệp cơ sở để hỗ trợ người dân quản lý sản xuất, quản trị doanh nghiệp, đẩy nhanh hình thành các tổ nhóm liên kết sản xuất, các HTX nông nghiệp theo yêu cầu của Luật Hợp tác xã năm 2012; tăng cường liên kết để thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản xuất an toàn theo VietGap, GlobalGap... đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của đơn vị tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển xây dựng các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp, các tổ nhóm, HTX sản xuất để chuyển đổi hình thức sản xuất tiêu thụ thụ động sang sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng; xây dựng mô hình liên kết chuỗi theo chiều dọc từ cung cấp vật tư đầu vào, quy trình sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết theo chiều ngang giữa các tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã để hỗ trợ, phối hợp các khâu trong quá trình sản xuất; xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong vùng nguyên liệu và các trang trại vệ tinh để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm và gia tăng lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp.
Xuân Nguyên