Kết quả bước đầu sau hơn 1 năm thực hiện Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đạt được những kết quả hết sức khả quan. Cơ cấu ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng CNC tăng lên, một số sản phẩm đặc thù của tỉnh từng bước khẳng định được lợi thế cạnh tranh, thương hiệu và thị trường.

Kết quả đạt được là đáng ghi nhận, tuy vậy việc phát triển nông nghiệp CNC đến nay chưa thực sự trở thành phong trào mạnh, chưa có sự tác động mạnh mẽ để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; quy mô sản xuất còn nhỏ, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chưa cao; chưa có nhiều sản phẩm mới mang tính đặc thù, độc đáo. Việc huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp CNC còn khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu; công nghệ sản xuất, thu hoạch, chế biến chưa cao nên chất lượng sản phẩm còn thấp; liên kết giữa các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp (DN) chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa mạnh.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, ngày 27/1/2022 UBND tỉnh ra Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND ban hành Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030. Xác định việc triển khai Đề án có hiệu quả sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu nên được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện đạt được những kết quả bước đầu.

Giống nho NH04-102 do Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố
nghiên cứu, lựa chọn, chuyển giao cho nông dân sản xuất đạt năng suất và chất lượng cao.

Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhân rộng mô hình được ngành chức năng, các địa phương quan tậm thực hiện, tạo chuyển biến tích cực. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các địa phương thực hiện nhân rộng mô hình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với diện tích 12.524 ha, chiếm 28,2% tổng diện tích lúa toàn tỉnh; nhân rộng mô hình ứng dụng CNC lưới chống ruồi vàng vào sản xuất táo được hơn 642 ha, chiếm 63,7% tổng diện tích táo trên toàn tỉnh, góp phần giảm tác hại của các sinh vật gây hại, tăng năng suất, sản lượng thu hoạch và nâng cao giá thành sản phẩm táo. Một số mô hình chăn nuôi mới được triển khai có hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt; mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cỏ VA-06 và sả lá lớn làm thức ăn cho bò... đã giúp người dân mở rộng chăn nuôi theo quy mô trang trại.

Nhờ ngành chức năng, các địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nên tình hình đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng CNC có tiến triển khả quan. Hiện đã có 31 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động; trong đó, 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản. Ngày 2/11/2022, Sở NN&PTNT đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Ban Quản lý Khu nông nghiệp CNC TP. Hồ Chí Minh về việc phối hợp thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu, các dự án cả hai bên cùng quan tâm; triển khai các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, phối hợp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học; chia sẻ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới liên kết các chuyên gia, đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp; hợp tác phát triển du lịch trải nghiệm, đồng thời quảng bá nông nghiệp ứng dụng CNC và nông nghiệp sinh thái; hỗ trợ ươm tạo DN nông nghiệp CNC, đổi mới sáng tạo, khởi tạo DN theo nhu cầu, tổ chức các khóa đào tạo về kỹ thuật và quản trị DN; hỗ trợ tập huấn, tư vấn cán bộ kỹ thuật, đào tạo dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về tổ chức công nhận DN nông nghiệp CNC, Sở NN&PTNT đã hướng dẫn DN lập hồ sơ đề nghị công nhận theo quy định. Đến nay, đã thẩm định và tham mưu UBND tỉnh công nhận 2 DN nông nghiệp CNC là Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt. Xây dựng 2 hồ sơ đề nghị công nhận 2 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC gồm: Vùng tôm giống CNC An Hải và vùng rau an toàn An Hải.

Tiếp tục thực hiện Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC và chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2021-2030, thời gian tới, ngành Nông nghiệp, các địa phương chú trọng công tác hỗ trợ nghiên cứu, lựa chọn giống mới, công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại, hiệu quả, nhất là lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi đặc thù, tiềm năng, lợi thế để tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.