Là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vụ đông - xuân 2022-2023 xã Phước Trung thực hiện chuyển gần 35 ha đất lúa kém hiệu quả và đất gò, đồi sang trồng bắp nếp, bắp lai, bí đỏ, mè, đậu phộng, thuốc lá... Hiện các loại cây trồng của nông dân đang sinh trưởng và phát triển tốt nhờ nguồn nước tưới của hồ Phước Trung và hồ Phước Nhơn khá dồi dào. Gia đình anh Katơr Bê ở thôn Đồng Dày chuyển 6 sào đất ở vùng gò sang trồng bắp nếp và bí đỏ, hiện nay các loại cây trồng phát triển rất tốt, đang trong giai đoạn trổ cờ và ra trái non. Anh Bê chia sẻ: Vụ này nhờ thời tiết thuận lợi nên cây bắp và bí lên đều, ít sâu bệnh. Nhờ có nước tưới ổn định nên cây trồng phát triển tốt, hy vọng sẽ đạt năng suất cao.
Cùng chung niềm vui với anh Bê, rẫy bắp lai với diện tích 3 sào của gia đình anh Chamaléa Thủy ở thôn Tham Dú cũng phát triển xanh tốt. Anh Thủy tâm sự: Vùng đất này trước đây chỉ sản xuất được 1 vụ vào mùa mưa năng suất bấp bênh, mùa nắng hạn bỏ hoang. Được xã vận động chuyển đổi cây trồng, tôi quyết định cải tạo đất, đầu tư đường ống, máy bơm để chuyển sang trồng bắp lai. Hiện cây bắp phát triển rất tốt, hy vọng sẽ đạt năng suất và giá cao.
Ông Bùi Thanh Hiệp ở thôn Suối Khô, xã Phước Chính chuyển gần 4 sào đất
không chủ động nước sang trồng cây ớt kim và đu đủ lùn siêu trái.
Không riêng ở xã Phước Trung, nông dân một số xã Phước Đại, Phước Thắng, Phước Thành, Phước Chính... cũng chuyển một số diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây ngắn ngày sử dụng ít nước. Nhờ nguồn nước tưới ổn định nên các loại cây trồng ở vùng chuyển đổi đều phát triển tốt. Gia đình ông Bùi Thanh Hiệp ở thôn Suối Khô, xã Phước Chính chuyển gần 4 sào đất không chủ động nước sang trồng cây ớt kim và đu đủ lùn siêu trái, hiện cây ớt đang trong giai đoạn thu hoạch. Ông Hiệp chia sẻ: Thời điểm hiện nay giá ớt ổn định, còn đu đủ thì chuẩn bị ra trái non, kỳ vọng một mùa vụ đạt năng suất và giá ổn định để giúp kinh tế gia đình phát triển.
Bà Ngô Thị Cúc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái, cho biết: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Thực tế cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã trong thời gian qua là hợp lý, các loại cây chuyển đổi cho giá trị kinh tế cao gấp 2-4 lần so với trồng lúa. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để nông dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi cây trồng. Đồng thời, hướng dẫn người dân áp dụng các phương thức xen canh, luân canh, tạo vùng sản xuất hàng hóa, từng bước đa dạng hóa cây trồng, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống nhân dân.
Kha Hân