Quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU, tiến tới phát triển nghề cá bền vững

Để hiện đại hóa tàu cá, đảm bảo hiệu quả khai thác hoạt động bền vững, đồng thời phù hợp với yêu cầu khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2023, 100% tàu cá xa bờ được lắp đặt và liên tục duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) khi hoạt động trên biển; 100% tàu cập bến được giám sát sản lượng, thành phần loài hải sản bốc dỡ qua cảng...

Kỹ thuật viên bảo trì thiết bị VMS cho ngư dân theo quy định. Ảnh: Thanh Xuân

Theo thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 170 tổ, đội liên kết khai thác hải sản với 1.018 tàu cá tham gia, hoạt động hiệu quả trong cả khai thác và hậu cần nghề cá. Số tàu cá khai thác tại vùng biển khơi tham gia vào các tổ khai thác chiếm gần 90%, số còn lại khai thác tại vùng lộng và tham gia hoạt động hậu cần trên biển. Thời gian qua, để chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC, Sở NN&PTNT không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại với các chủ tàu cá và ngư dân để thông tin, hướng dẫn tất cả quy định của pháp luật có liên quan đến việc khai thác thủy sản bất hợp pháp, trong đó ưu tiên hàng đầu là chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp mà đa số ngư dân đều nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ đúng các quy định khi hoạt động khai thác trên biển, đặc biệt là tầm quan trọng của việc lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá; cũng như những hậu quả pháp lý mà chủ tàu phải gánh chịu nếu cố tình vi phạm. Trong đó, có việc không xem xét giải quyết các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với tàu cá vi phạm.

Kết quả, năm 2022, toàn tỉnh không có trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài; ngư dân tích cực thực hiện các quy định về ghi chép nhật ký, cập cảng, rời cảng và khai báo truy xuất nguồn gốc hải sản theo đúng quy định của pháp luật; 100% các tàu cá tham gia vào tổ đoàn kết trên biển được tuyền truyền, hướng dẫn, cam kết các quy định trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Số lượng lắp VMS là 813/817 tàu cá, đạt 99.5%; còn 4 tàu chưa lắp VMS vì một số lý do chủ quan như chủ tàu gặp khó khăn về tài chính, làm ăn thua lỗ, hư hỏng đang nằm bờ không hoạt động... đã được các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát, phối hợp vận động và có những giải pháp hỗ trợ thực hiện chuyển đổi cụ thể để các trường hợp này hoàn thành việc trang bị nghề nghiệp, lắp đặt theo quy định trong năm 2023.

Hiện tại, bên cạnh việc lắp đặt VMS đối với các tàu có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m; việc quản lý, giám sát chặt tàu cá hoạt động trên biển được coi là biện pháp quan trọng trong phòng, chống khai thác IUU được ngành ưu tiên phối hợp thực hiện. Theo đó, trước mỗi chuyến biển, tàu cá của ngư dân đều được lực lượng bộ đội biên phòng xuống tàu kiểm tra kỹ thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá. Máy nhắn tin, máy giám sát hành trình, dấu niêm phong, kẹp chì được xem xét cẩn thận; thiết bị phải hoạt động xuyên suốt... Tàu vi phạm sẽ không được làm thủ tục xuất bến. Ban Quản lý các cảng cá tỉnh trong quá trình giám sát tàu cập cảng bốc dỡ sản phẩm sẽ rà soát tàu cá quá hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản; tổ chức nhắc nhở, phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương vận động ngư dân thực hiện các thủ tục về đăng kiểm, giấy phép khai thác hải sản theo quy định. Đối với tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT, các cơ quan chức năng sẽ đánh dấu giám sát và theo dõi chặt chẽ hành trình của tàu từ khi xuất cảng; thông qua công tác phối hợp với lực lượng chức năng các tỉnh khu vực phía Nam để tổ chức kiểm tra, giám sát tàu cá xuất bến và tàu có trong danh sách có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài; kiên quyết không buông lỏng, nương nhẹ, xử lý nghiêm khắc và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trường hợp tàu cá không duy trì kết nối hệ thống giám sát hành trình, vi phạm hành chính trên hệ thống phần mềm; các hành vi có tổ chức để môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân tỉnh vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, tạo tính răn đe cao.

Tàu thuyền huyện Ninh Hải lắp đặt VMS vươn khơi khai thác hải sản hợp pháp trong vùng biển Việt Nam. Ảnh: Văn Nỷ

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Việc triển khai các giải pháp để chống khai thác IUU không chỉ dừng lại ở mục đích tháo gỡ “thẻ vàng” cho ngành Thủy sản, mà quan trọng hơn là xây dựng nghề cá của tỉnh ngày càng bền vững, phát triển và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Để hiện thực hoá định hướng sắp xếp, cơ cấu ngành nghề một cách phù hợp, giảm dần và tiến tới xóa bỏ các nghề khai thác, đánh bắt thiếu tính bền vững, cũng như tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ, huy động các nguồn lực xây dựng, mở rộng cảng cá, bến cá, phát triển dịch vụ hậu cần và đa dạng sản phẩm chế biến; ngay từ những ngày đầu năm 2023, ngành NN&PTNT đã khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Đề án phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025; Kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030. Trong đó, tập trung cụ thể vào các giải pháp về công tác thông tin truyền thông (minh bạch, công khai...); về quản lý đội tàu (đảm bảo công tác giải quyết thủ tục hành chính đối với tàu cá đúng quy định và kịp thời, 100% đánh dấu tàu cá, 100% lắp đặt VMS và tổ chức giám sát tàu cá đúng quy định, 100% cập nhật dữ liệu cơ sở nghề cá quốc gia, tăng cường giám sát sản lượng qua cảng...); đảm bảo xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác đúng với quy định; về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính (lập danh sách và khoanh vùng tàu cá có nguy cơ vi phạm IUU, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử phạt 100% hành vi khai thác IUU theo quy định), tiến tới phát triển nghề cá bền vững.