Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 86 HTX nông nghiệp, trong đó có 69 HTX thành lập mới. Thông qua sự hỗ trợ về đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực, xúc tiến thương mại, liên kết và tiêu thụ sản phẩm, quy mô, chất lượng và hiệu hoạt động của HTX được nâng lên. Đặc biệt, toàn tỉnh có 10 HTX ứng dụng công nghệ trong sản xuất gắn với chuỗi giá trị - đây chính là điểm nhấn trong phát triển, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.
Vai trò của HTX nông nghiệp nhiều năm qua đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trong thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu. Các HTX cũng đã tham gia chương trình, dự án ở địa phương phát động như: Làm thủy lợi, giao thông nội đồng, vệ sinh môi trường, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; bước đầu hình thành một số mô hình hợp tác tham gia xây dựng cánh đồng lớn, liên kết giữa HTX với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đạt kết quả bước đầu, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của tỉnh, góp phần tham gia hiệu quả vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Thành viên Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận chăm sóc vườn nho. Ảnh: A.Thi
Tuy vậy, theo kết quả khảo sát của Liên minh HTX tỉnh, vẫn còn nhiều HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả, không phù hợp với cơ chế mới, phải giải thể hoặc chuyển sang hình thức khác. Dù đã chuyển đổi, tổ chức lại HTX theo Luật HTX 2012, nhưng hoạt động một số HTX chưa thực sự tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc theo quy định; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các HTX mang tính ngắn hạn, thiếu định hướng lâu dài, tính khả thi các phương án sản xuất, kinh doanh thấp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến khả năng huy động vốn của HTX còn hạn chế; một số HTX thiếu vốn hoạt động, không có tài sản thế chấp, tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng cao nên việc tiếp cận vốn từ ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn, do đó không thể mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để củng cố, chuyển đổi các HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh, sở đề ra giải pháp hữu hiệu, tạo thuận lợi cho HTX phát triển. Cụ thể, đã chỉ đạo tập trung công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng của kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế thị trường; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, HTX là xu hướng tất yếu và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của đơn vị. Hằng năm, sở bố trí kinh phí và giao Chi cục Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, địa phương mở từ 12-15 lớp tuyên truyền, phổ biến Luật HTX 2012. Sở cũng bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển ngành Nông nghiệp giai đoạn 2012-2025 của UBND tỉnh giao để lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực lợi thế nhằm xây dựng uy tín cho các HTX cũng như thương hiệu nông sản thực phẩm đối với người tiêu dùng.
Cùng với đó, thực hiện kế hoạch đào tạo tăng cường năng lực cán bộ quản lý HTX cho các HTX yếu kém và thành lập mới về kiến thức, kỹ năng quản lý, kinh doanh, ứng dụng công nghệ sản xuất, công nghệ thông tin theo yêu cầu của kinh tế thị trường. Phối hợp triển khai chính sách hỗ trợ đưa lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTX; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp theo Quyết định số 352/QĐ-UBND ngày 23/6/2022 của UBND tỉnh.
Anh Tùng