Đẩy mạnh hỗ trợ triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Những năm qua, được sự hỗ trợ của ngành chức năng, các địa phương, một số hộ dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đem lại hiệu quả kinh tế. Đặc biệt là những mô hình trồng các loại cây đặc thù của tỉnh trong nhà màng đã giảm thiểu những yếu tố bất lợi của thời tiết, nâng cao chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường, mở ra triển vọng làm giàu cho nông dân.

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và hướng đến xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, ngày 10/2 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức khảo sát thực địa các mô hình trồng nho trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, tham vấn ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về các giải pháp trồng nho ứng dụng CNC phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới.

Sau khi khảo sát mô hình Trồng nho trong nhà màng có mái che ứng dụng công nghệ tưới tự động với diện tích 2,5 sào tại hộ anh Nguyễn Đình Trí ở thôn Láng Ngựa, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), đoàn khảo sát đánh giá mô hình có ưu điểm vượt trội so với canh tác trồng truyền thống như: Loại bỏ các yếu tố không thuận lợi về thời tiết, đặc biệt là mưa dài ngày; ngăn chặn sự xâm nhập của côn trùng, cho năng suất cao gấp hai lần. Nông dân thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng cho cây trồng, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ nên sản phẩm luôn đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người trồng lẫn người tiêu dùng. Việc sử dụng phương thức tưới nước tự động, tưới phun mưa giúp chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp đến tận gốc cây, tránh tình trạng trôi đất và không bị lãng phí nguồn nước.

Mô hình trồng nho trong nhà màng tại hộ anh Nguyễn Đình Trí ở thôn Láng Ngựa, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn).

Cùng với đó, mô hình Trồng bí hạt đậu CNC với quy mô hơn 2,9 sào tại hộ anh Nguyễn Trọng Hạnh ở thôn Ma Ty, xã Phước Tân (Bác Ái) cũng đạt được những kết quả nhất định. Các chỉ tiêu đều đạt so với chỉ tiêu của mô hình đặt ra: Tỷ lệ cây sống 98%, năng suất thu hoạch đạt 20 tấn/ha, trọng lượng quả đạt 2,0-2,5 kg/quả. Mô hình đã tạo bước đột phá lớn trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng CNC vào sản xuất; giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và sản lượng cây trồng; tăng thu nhập, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ.

Qua thực tế, mô hình Trồng nho trong nhà màng và mô hình Trồng bí hạt đậu CNC có lợi nhuận cao, nhưng nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn (khoảng 200 triệu đồng/1 sào). Do vậy cần có sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố chuyển giao kỹ thuật và Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ kinh phí các hộ mới triển khai được. Đối với những hộ dân chưa có kinh nghiệm sản xuất; không có điều kiện đầu tư xây dựng nhà màng, lắp đặt thiết bị tưới tiết kiệm, thì khó có thể triển khai được, nên việc nhân rộng mô hình trên phạm vi rộng gặp khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn, trong năm 2023, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC theo nội dung Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND, ngày 27/1/2022 của UBND tỉnh về việc “Ban hành Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030”. Với quan điểm ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng CNC vào sản xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có lợi thế của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản triển khai mô hình “Trồng thử nghiệm giống nho Hạ đen theo hướng ứng dụng CNC” nhằm đa dạng giống nho ăn tươi và hướng đến xuất khẩu.