Nhiều tiện ích từ khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp

Thời gian qua, việc triển khai khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, mà còn giúp giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế. Qua đó, người dân sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh, chính xác hơn góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, người dân đã dần quen với việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip thay cho thẻ BHYT bằng giấy. Khi sử dụng thẻ CCCD, thủ tục tiện lợi, nhanh gọn, tiết kiệm thời gian cho người dân cũng như nhân viên y tế trong quá trình thực hiện KCB. Đặc biệt, từ lần khám bệnh sau đó, người dân chỉ cần xuất trình CCCD gắn chip, không cần thêm bất cứ loại giấy tờ nào khác khi đến KCB tại nơi mình đã KCB trước đó. Bởi các thông tin, tình trạng sức khỏe của người bệnh đã được lưu trữ, cập nhật trên hệ thống. Anh Nguyễn Văn Hưng, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) chia sẻ: Tôi thường xuyên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để thăm khám, điều trị bệnh nhưng thời gian gần đây tôi không phải dùng đến thẻ BHYT, sổ khám bệnh để xuất trình nhân viên y tế đăng ký khám bệnh. Thay vào đó, tôi chỉ cần xuất trình CCCD gắn chíp để nhân viên y tế quét mã tra cứu thông tin, nhờ vậy giảm thiểu thời gian chờ đợi khi đến đăng ký khám, điều trị.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp. Ảnh: Mỹ Dung

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những cơ sở y tế đầu tiên của tỉnh triển khai thí điểm thực hiện KCB bằng CCCD có gắn chíp. Tại khu vực đăng ký KCB BHYT, nhân viên y tế kiểm tra CCCD bằng cách quét mã QR của người bệnh, nếu đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì đón tiếp người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành. Trường hợp người bệnh không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì nhân viên y tế giải thích để người bệnh biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được. Sau đó, đề nghị người bệnh xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh để thực hiện quy trình KCB BHYT thông thường. Đồng thời thông tin cho người bệnh biết để KCB BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chíp hoặc qua ứng dụng Bảo hiểm xã hội số VssID (trên điện thoại di động). Với việc KCB BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp thay cho thẻ BHYT, đem lại nhiều tiện ích cho người dân khi tiết kiệm được thời gian làm thủ tục đăng ký KCB, khi đi khám không cần phải mang thẻ BHYT hoặc không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp thẻ BHYT mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn đang triển khai song song giữa việc tra cứu thông tin BHYT bằng thẻ CCCD và thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT trước kia là xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh.

Việc KCB BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp đem lại nhiều tiện ích cho người dân, góp phần hiệu quả trong cải cách thủ tục hành chính của bệnh viện, giảm các giấy tờ liên quan đến thủ tục KCB BHYT. Thông qua việc sử dụng CCCD có gắn chip, thông tin về bệnh nhân sẽ được lưu trữ trực tuyến và được chia sẻ trên một nền tảng điện tử, giúp cho việc tìm kiếm và truy cập thông tin bệnh nhân nhanh chóng, đầy đủ, chính xác hơn. Từ đó giảm thiểu thời gian chờ đợi của bệnh nhân, nhân viên y tế chẩn đoán và điều trị đúng bệnh. Việc sử dụng CCCD giúp quản lý và lưu trữ thông tin bệnh nhân trở nên dễ dàng hơn, góp phần tiết kiệm chi phí cho bệnh viện…

Trước những tiện ích của CCCD gắn chip mang lại, hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo cho người dân, người bệnh khi đến KCB tại bệnh viện trên trang thông tin điện tử, loa thông báo nội bộ, bảng thông tin tại các khoa, phòng hoặc nhân viên trực tiếp làm thủ tục đăng ký KCB... Đến nay mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 250 lượt bệnh nhân đến KCB BHYT bằng CCCD. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, do hệ thống tích hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang trong quá trình hoàn thiện nên có nhiều thẻ CCCD chưa được tích hợp dữ liệu về BHYT. Việc áp dụng công nghệ mới, thời gian đầu sẽ khiến một số nhóm đối tượng, như người lớn tuổi chưa thể ứng dụng vì khó thay đổi thói quen cũ. Do đó cần sự hướng dẫn, tuyên truyền, có các giải pháp phù hợp để các nhóm đối tượng đều có thể dễ dàng thực hiện...

Sử dụng CCCD gắn chíp thay thế BHYT trong KCB là bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính ngành Y tế. Với những lợi ích mang lại, nhiều đơn vị y tế trong tỉnh đã triển khai sử dụng loại hình này, góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có 79 cơ sở triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp với 317.683 lượt.

Mỹ Dung