Đồng chí Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sau “trận chiến” cam go nhất với dịch COVID-19, năm 2022, ngành Y tế đối mặt rất nhiều khó khăn, nhất là tình trạng khan hiếm hàng hóa vật tư y tế; tại cơ sở y tế tuyến huyện nhiều trang thiết bị y tế qua sử dụng nhiều năm đã lạc hậu, ảnh hưởng đến nhu cầu chẩn đoán, điều trị... Tuy nhiên, với mục tiêu “sức khỏe của nhân dân là trên hết”, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế phát huy cao tinh thần trách nhiệm thực hiện hiệu quả các giải pháp quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: V.M
Xác định y tế dự phòng là then chốt, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; đồng thời kiểm soát tốt các dịch bệnh khác, nhất là dịch sốt xuất huyết, tránh tình trạng dịch chồng dịch. Sở Y tế tích cực chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt các trung tâm y tế huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động nâng cao ý thức phòng dịch bệnh cho nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm vững tình hình dịch tễ trong cộng đồng để phát hiện, xử lý kịp thời ổ dịch, hạn chế tối đa dịch bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng. Các chương trình mục tiêu quốc gia: Tiêm chủng mở rộng, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, an toàn thực phẩm... được triển khai thực hiện tốt, mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Năm 2022, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ bệnh truyền nhiễm đạt 95%; tiêm uốn ván cho phụ nữ có thai đạt 90%; tiêm phòng uốn ván sơ sinh cho trẻ đạt 90%. Riêng đối với dịch COVID-19, đã tiêm 1.563.208 mũi cho các đối tượng trong lứa tuổi, đạt 98,7% số liều vắc xin được nhận. Năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 1.409 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 8,1 lần so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát; ghi nhận 39 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm 27,8%...
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận kỹ thuật can thiệp thần kinh mạch máu não do bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chuyển giao. Ảnh: U.Thu
Chất lượng khám, điều trị tại các cơ sở y tế không ngừng được nâng cao. Ngoài việc tranh thủ, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, việc chuyển giao kỹ thuật cao trong khám, điều trị nhằm nâng cao năng lực cho các tuyến theo Đề án 1816 được tăng cường. Năm 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh thực hiện 2 đợt chuyển giao kỹ thuật “Đặt máy tạo nhịp tim tạm thời và vĩnh viễn” cho 4 bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn nhịp; phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện 2 đợt chuyển giao kỹ thuật “Chụp và can thiệp mạch máu não” cho 3 bệnh nhân; phối hợp với Bệnh viện Bình Dân TP. Hồ Chí Minh thực hiện 2 đợt chuyển giao kỹ thuật “Phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da” cho 8 bệnh nhân. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã chuyển giao kỹ thuật cho Trung tâm Y tế các huyện: Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc, Bác Ái với các nội dung về sản, hồi sức cấp cứu, xét nghiệm và an toàn sinh học; tiếp nhận 29 nhân viên y tế, trong đó có 13 bác sĩ của Trung tâm Y tế các huyện: Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc và Bác Ái đến đào tạo lý thuyết và thực hành tại bệnh viện về các kỹ thuật: Hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản, shock điện cấp cứu ngừng tim, chọc hút, dẫn lưu khí màng phổi, chọc dò tủy sống, xét nghiệm miễn dịch, đo Hp qua hơi thở...
Trang thiết bị y tế hiện đại góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh: V.Nỷ
Công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm thực hiện. Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh cử 4 bác sĩ diện đào tạo theo địa chỉ sử dụng của tỉnh đi học bác sĩ nội trú tại Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ; cử 5 bác sĩ tham gia đào tạo bác sĩ chuyên khoa I thuộc Dự án 585 do Bộ Y tế hỗ trợ. Ngoài ra liên kết với một số cơ sở đào tạo ngoài tỉnh tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho nhiều nhân viên y tế.
Với sự nỗ lực, giải pháp hiệu quả, ngành Y tế đã thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 10,4 bác sĩ/vạn dân; số dược sĩ đại học đạt tỷ lệ 2,5 dược sĩ/vạn dân; 93,2% trạm y tế có bác sĩ làm việc; 62 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng giảm còn 12,3% và thể thấp còi còn 22,3%...
Năm 2023, ngành Y tế tiếp tục các giải pháp thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới; tăng cường năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân. Nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao y thức phòng, chống dịch bệnh; triển khai công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, bảo đảm tiêm chủng an toàn và hiệu quả. Tiếp tục triển khai một số đề án, dự án như: Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới; Dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế cho Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước và Ninh Sơn từ nguồn vốn ODA Hàn Quốc; Đề án phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh hạng I giai đoạn 2021-2025... Thực hiện cải tiến chất lượng bệnh viện; phối hợp với các bệnh viện để triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh về lĩnh vực sản, nhi, chấn thương chỉnh hình, tim mạch can thiệp; triển khai thực hiện tốt Đề án 1816. Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao nhân lực, bảo đảm thuốc, vật tư y tế trong công tác khám, chữa bệnh... nhằm phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thế Sơn