Cần làm gì khi bị viêm họng, viêm thanh quản?

Vào mùa lạnh, đặc biệt là những đợt rét đậm đột ngột, bệnh viêm họng, viêm thanh quản rất dễ xuất hiện. Đối tượng hay mắc là trẻ nhỏ, người già và những người phải nói nhiều, làm việc lâu ngoài trời.

Tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc cho hợp lý, có thể người bệnh phải dùng kháng sinh, kháng viêm đường uống, hạ sốt, giảm đau, giảm phù nề, chống dị ứng... Nhưng cần thực hiện nghiêm túc và có sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa.

Tại nhà người bệnh cần giữ ấm, chườm nóng vùng cổ là rất cần thiết, uống nước giá đỗ luộc nóng, uống trà gừng, ngậm kha tử, chanh đào ngâm mật ong... để hỗ trợ điều trị. Hạn chế nói trong 3-5 ngày. Súc họng bằng nước ấm muỗi pha loãng hoặc nước có thành phần là chất kiềm nhẹ NaHCO3, muối sinh lý...

Cần giữ ấm khi ra ngoài, nhất là vùng cổ, mang bảo hộ lao động đúng quy định khi làm việc trong môi trường ô nhiễm bụi bẩn hoặc hóa chất.

Một đặc điểm cần lưu ý, khi trẻ bị viêm họng, viêm thanh quản rất có thể xảy ra biến chứng, nên khi có biểu hiện nghi ngờ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Có trường hợp viêm thanh quản đi kèm với phù nề ở vùng hạ thanh môn, gây khó thở dữ dội, có khả năng phải mở khí quản thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và điều trị kịp thời.