Dầu ăn thuộc nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng, đóng vai trò chính trong việc cung cấp năng lượng. Đồng thời, nó còn là dung môi hòa tan các vitamin cần thiết cho cơ thể.
Theo Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), một điều rất quan trọng là khi sử dụng dầu ăn là phải chú ý cho dầu vào thực phẩm ở thời điểm nào. Khi sơ chế nguyên liệu, nên cho gia vị vào trước rồi mới thêm dầu ăn, như vậy mới đảm bảo cho gia vị ngấm vào thức ăn.
Có thể cho dầu ăn khi thức ăn đã chín, bắc ra khỏi bếp để dậy mùi thức ăn hơn. Tùy theo kinh nghiệm và thói quen nấu ăn, các loại dầu có thể được sử dụng đặc thù với từng loại thực phẩm.
Trong mỗi gia đình nên có hai loại dầu để sử dụng cho các loại thực phẩm khác nhau. Loại thứ nhất để cung cấp các axit béo thiết yếu chủ yếu là các loại dầu hạt như dầu mè, dầu nành, dầu olive... Các loại dầu này nên dùng để trộn với dấm, salad, chế vào thức ăn trẻ em, nấu canh, ướp thịt cá... Loại thứ hai là dầu dừa, dầu đậu phộng... dùng để chiên, xào ở nhiệt độ cao như chả, giò, cá, khoai tây.
Dầu ăn (loại dầu hạt) nếu đảm bảo vệ sinh thì sử dụng dưới dạng trộn salad là tốt nhất vì dưới hình thức này, các axit béo chưa no có nhiều mạch kép trong cấu trúc được bảo toàn nguyên vẹn, đảm bảo được nhu cầu năng lượng cho trẻ hoạt động cả ngày.
Khi chế biến với dầu thực vật, lưu ý không để nhiệt độ quá cao. Lý do nếu đun lâu ở nhiệt độ cao, các axít béo không no sẽ bị oxy hóa làm mất tác dụng có ích với cơ thể, đồng thời tạo thành các sản phẩm trung gian có hại như peroxit, aldehyde... Ngoài ra, không nên tái sử dụng dầu đã rán ở nhiệt độ cao.
B.H (tổng hợp)