Nông dân tập trung thu hoạch dứt điểm vụ hè - thu

Hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung thu hoạch dứt điểm lúa hè - thu và chuẩn bị đảm bảo các điều kiện phục vụ việc gieo trồng vụ mùa 2022.

Tại huyện Thuận Bắc, tính đến thời điểm hiện tại, nông dân cơ bản thu hoạch xong lúa vụ hè - thu. Bà con ra đồng theo nước, đắp bờ để chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa. Anh Trần Ngọc Danh, ở thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong cho biết: Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, áp dụng hiệu quả mô hình “1 phải, 5 giảm” nên 4 sào lúa hè - thu của gia đình cho năng suất trung bình 7,5 tạ/sào, giá bán ổn định, tạo tâm lý phấn khởi giúp tôi yên tâm sản xuất trong vụ tới. Theo đánh giá của nông dân, sản xuất vụ mùa được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với vụ đông - xuân và hè - thu do diễn biến thất thường của thời tiết dễ phát sinh sâu bệnh, cùng với đó giá phân bón, thuốc trừ sâu vẫn đang ở mức cao nên nhiều nông hộ rất chú trọng đến khâu làm đất, vệ sinh kỹ đồng ruộng, lựa chọn giống chất lượng tốt và thực hiện chuyển một số diện tích sang cây trồng cạn để tiết kiệm chi phí đầu tư.

Bên cạnh sự chủ động của nông dân, hiện nay chính quyền địa phương cũng đang tập trung xây dựng phương án gieo trồng vụ mùa phù hợp; tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đẩy nhanh khâu làm đất để khi có kế hoạch cụ thể, tập trung xuống giống đồng loạt, không để trên cùng một xứ đồng có nhiều trà lúa đan xen, làm ảnh hưởng đến năng suất.

Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa hè - thu. Ảnh: Tiến Mạnh

Hiện nay bà con nông dân trên địa bàn huyện Bác Ái đang tập trung bám đồng, bám rẫy để chăm sóc các loại cây trồng với niềm tin có một vụ mùa bội thu. Tại cánh đồng mì ở thôn Chà Panh, xã Phước Hòa, chúng tôi ghi nhận không khí làm việc của bà con rất nhộn nhịp. Anh Chamaléa Khoang ở địa phương chia sẻ: Vụ này gia đình tôi xuống giống 8 sào mì cao sản giống KM94, hiện nay mì đã trồng được hơn 4 tháng, đang phát triển tốt nhờ thời gian qua trên địa bàn xã thường xuyên có mưa, độ ẩm trong đất cao nên cây mì ra đọt rất tốt, thân to. Tranh thủ mỗi buổi sáng tôi lên rẫy để làm cỏ và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng với hy vọng niên vụ mì này sẽ đạt năng suất cao.

Trên các cánh đồng trồng mì ở các xã Phước Đại, Phước Chính, Phước Thắng, Phước Tân... những ngày này nông dân cũng tranh thủ ra đồng làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu với không khí rất nhộn nhịp và khẩn trương sau những trận mưa vừa qua. Chị Katơr Thị Lánh, ở thôn Tà Lú 3 phấn khởi, cho biết: Vụ hè - thu năm nay gia đình tôi xuống giống 2 sào đậu xanh và 5 sào mì, vừa rồi thu hoạch cây đậu xanh bán được hơn 8 triệu đồng, có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Hiện giờ đang tập trung chăm sóc cây mì, năm nay nhờ thời tiết có mưa từ đầu vụ đến nay nên cây mì lên đều, hy vọng sẽ cho năng suất cao.

Vụ hè - thu năm nay, toàn huyện Bác Ái xuống giống gần 2.000 ha cây trồng các loại; trong đó, lúa khoảng 500 ha. Đối với những vùng đất gò, đồi không chủ động nguồn nước tưới, huyện chỉ đạo các xã vận động nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng chịu hạn tốt như: Bắp, mì, đậu, mè... trong đó, cây bắp địa phương, bắp lai và cây mì là hai loại cây trồng có khả năng chịu hạn cao được bố trí diện tích canh tác trên 1.000 ha. Hiện nay, một số giống cây trồng ngắn ngày bà con đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Những diện tích cây trồng dài ngày như mì, mía bà con đang tập trung bám đồng, bám ruộng để chăm sóc và phòng sâu bệnh.

Tại huyện Ninh Phước, nông dân các xã, thị trấn cũng đã tập trung ra đồng thu hoạch lúa hè - thu, chăm sóc cây trồng. Có mặt từ sáng sớm tại cánh đồng lúa trên địa bàn thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, chúng tôi ghi nhận không khí lao động rất nhộn nhịp sau kỳ nghỉ lễ, tiếng máy gặt liên hợp, tiếng cười nói của bà con vui tươi, hớn hở khi ra đồng thu hoạch lúa. Ông Quảng Đại Tập, thôn Hiếu Lễ, chia sẻ: Vụ lúa hè - thu năm nay, gia đình xuống giống 5 sào, sau những ngày nghỉ lễ, cả nhà tranh thủ ra đồng thu hoạch lúa. Vụ này thời tiết thuận lợi nên năng suất lúa đạt trên 7 tạ/sào, với giá bán lúa khô dao động từ 6.200 - 6.400 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi được hơn 2 triệu đồng/sào.

Còn tại các xã Phước Sơn, Phước Thuận... không khí lao động sau ngày nghỉ lễ cũng diễn ra nhộn nhịp, nhiều nông dân tích cực ra đồng chăm sóc cây nho, táo. Đang cắt tỉa cành táo, anh Lê Tiến Dũng, thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu cho biết: Gia đình có 1 sào táo đang thời kỳ ra trái, nên sau khi nghỉ lễ gia đình tranh thủ ra vườn chăm sóc, cắt tỉa những trái táo bị hư do bị mưa mấy ngày qua và phun thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế các loại bệnh cho táo, hy vọng có một vụ táo được mùa, được giá.

Vụ hè - thu 2022, huyện Ninh Phước xuống giống khoảng 8.490 ha cây trồng các loại; trong đó, cây lúa 4.424 ha, cây bắp 747 ha, cây nho 413 ha, cây táo 780 ha... Hiện nay, huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung vận động nông dân ra đồng thu hoạch cây trồng vụ hè - thu. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai cụ thể lịch sản xuất, khung thời vụ sản xuất vụ mùa, cũng như hướng dẫn bà con các biện pháp phòng dịch bệnh trên cây trồng.

Nông dân trên địa bàn huyện Ninh Sơn đang khẩn trương thu hoạch lúa, chăm sóc cây trồng. Tại cánh đồng lúa hơn 50 ha trên địa bàn thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn bà con đang thu hoạch lúa vụ hè - thu. Ông Mai Tư Mạnh, thôn Đắc Nhơn, chia sẻ: Dự báo thời tiết mấy ngày tới sẽ có mưa nên khi có máy gặt về, gia đình tôi đã tranh thủ ra đồng chuẩn bị bao thu hoạch lúa. Nhà tôi có 5 sào, năng suất đạt khoảng 6 tạ/sào, vụ hè - thu như thế coi như cũng thắng lợi rồi. Riêng gia đình chị Nguyễn Thị Gái, thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn trồng gần 1 sào khổ qua đang thời kỳ ra bông, chia sẻ: Nhờ thời tiết thuận lợi nên cây sinh trưởng ra bông, đậu trái tốt. Tranh thủ buổi sáng tôi ra vườn theo nước, tỉa nhánh để trái phát triển đều. Còn đối với xã Quảng Sơn, “thủ phủ” của nghề trồng mía, sau kỳ nghỉ lễ bà con tranh thủ những ngày mưa bón phân cho cánh đồng mía. Bà Nguyễn Thị Cẩm Hà, thôn Thạch Hà, chia sẻ: Mưa nhiều nên tranh thủ lúc đất ướt tôi thuê 3 công làm đất bỏ phân cho 4 mẫu mía, mía đang thời kỳ gần chín nên tôi tranh thủ bón phân để tăng chữ đường.