Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2030

Nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của Nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản (NLTS) của tỉnh tại thị trường trong nước và quốc tế; ngày 24-8-2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3684/KH-UBND về thực hiện Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch đề ra mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 10%/năm. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) hoặc ký cam kết tuân thủ quy định ATTP. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm NLTS được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 10%/năm. Tỷ lệ mẫu thực phẩm NLTS được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10%/năm. Hằng năm có 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP NLTS các cấp được bồi dưỡng, cập nhật về chuyên môn nghiệp vụ.

Giai đoạn 2026-2030, diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 15%/năm. Duy trì 100% cơ sản xuất, kinh doanh NLTS được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP hoặc ký cam kết tuân thủ quy định ATTP. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm NLTS được chứng nhận HACCP, ISO 22000 tăng tương ứng 15%/năm và 20%/năm. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 15%/năm. Tỷ lệ mẫu thực phẩm NLTS được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10%/năm. Hằng năm có 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP NLTS các cấp được bồi dưỡng, cập nhật chuyên môn nghiệp vụ.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới.

Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch của UBND đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện. Trong đó, trọng tâm là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi nguyên liệu tập trung, quy mô lớn; nâng cấp hệ thống chợ đầu mối, trung tâm cung ứng, chợ bán lẻ NTTS, hoàn thiện chuỗi giá trị NTTS. Ưu tiên ngân sách đầu tư nâng cấp điều kiện đảm bảo chất lượng ATTP vùng trồng trọt, chăn nuôi, NTTS, khu giết mổ, sơ chế, chợ đầu mối tại một số vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm hoặc nơi tiêu thụ khối lượng lớn NTTS; nâng cấp hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm chế biến nông sản, thủy sản các cảng cá: Cà Ná, Đông Hải, Ninh Chữ, bến cá Mỹ Tân. Đầu tư phát triển hệ thống kho lạnh, kho bảo quản đạt chuẩn phục vụ bảo quản sản phẩm nông sản, thủy sản tại địa bàn trong tỉnh. Triển khai hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thông tin, truyền thông về chất lượng, ATTP NTTS. Nghiên cứu, chuyển giao, tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đảm bảo năng suất, chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, tỉnh còn tăng cường năng lực thực thi chính sách pháp luật, đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng NTTS. Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc quản lý, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP. Phối hợp, huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội trong đảm bảo chất lượng, ATTP NTTS, phát triển vùng sản xuất chứng nhận GAP; khuyến khích cơ sở sản xuất NTTS áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương), phát triển sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Lựa chọn, kêu gọi các doanh nghiệp có đủ năng lực, tiềm lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, máy móc trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sơ chế, chế biến, giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch, tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, gia tăng giá trị, đảm bảo mục tiêu tăng 5-10% sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền). Phát triển các sản phẩm chế biến đặc sản địa phương, gồm các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản từng địa phương theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tạo lập, duy trì, giữ vững thương hiệu của sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản của từng địa phương.

Sản phẩm OCOP của tỉnh được sản suất đảm bảo an toàn thực phẩm nên được người dân tin dùng. Ảnh: Văn Nỷ

Trong các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, tỉnh xác định có 5 nhiệm vụ, chương trình ưu tiên thực hiện, gồm: Xây dựng, vận hành phần mềm quản lý chất lượng, ATTP ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn kết nối, tích hợp với hệ thống dữ liệu trung ương. Hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật kiểm nghiệm, kiểm tra, giám định phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý, đảm bảo chất lượng, ATTP NTTS. Cùng với đó, tỉnh còn triển khai Chương trình nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo nâng cao chất lượng, an toàn, giá trị NTTS. Chương trình xúc tiến thương mại NTTS, thực phẩm an toàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2021-2030.

Kế hoạch của UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai hiệu quả Đề án; chú trọng quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh NTTS trên địa bàn theo phân công, phân cấp. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; chủ động lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch với các dự án và các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan. Khảo sát, lựa chọn, đề xuất doanh nghiệp trong tỉnh có tiềm lực về công nghệ, tài chính để hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật trong nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm giá trị gia tăng cao có nguồn gốc từ nguyên liệu và phụ phẩm NTTS. Phối hợp, hỗ trợ, xúc tiến hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, ATTP. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp kết quả thực hiện hằng năm, giai đoạn của các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung đối với những vấn đề phát sinh, cấp thiết, cũng như kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đã đề ra.