Hiệu quả kinh tế từ cây chuối sứ ở xã miền núi Phước Chiến

Bằng việc định hướng thiết thực của cấp ủy, chính quyền địa phương, vài năm trở lại đây, nhiều nông hộ ở xã Phước Chiến (Thuận Bắc) đã chú trọng cải tạo lại những vùng đất canh tác không hiệu quả chuyển sang trồng cây chuối sứ, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững, mang lại thu nhập khá cho bà con miền núi.

Trên con đường bê tông đi vào xã Phước Chiến hình ảnh những vườn chuối xanh bạt ngàn được người dân trồng phủ khắp trong vườn, trên rẫy. Đến xã Phước Chiến lần này, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Chamaléa Thị Ánh, ở thôn Động Thông, một trong những hộ tiên phong trồng chuối sứ tại địa phương. Với 7 sào đất, ngoài xen lẫn một số cây trồng như bưởi da xanh, mít thì hầu hết cây chuối sứ được chị trồng theo hàng, theo lối bài bản. Chị Ánh chia sẻ: Vùng đất Phước Chiến khô cằn, không chủ động nước tưới nên hiệu quả kinh tế khi trồng các loại cây khác không cao; nhưng với cây chuối sứ thì lại khác, qua thời gian phát triển đến nay đã thực sự “bén rễ” và là cây trồng chủ lực ở địa phương. Hiện tại, gia đình có hơn 200 gốc chuối, mỗi năm cho thu hoạch 2 lần, mỗi buồng chuối trung bình nặng từ 12-15 kg, có giá bán từ 10-12 ngàn đồng/kg, cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. Cùng chung niềm vui, ông Katơr Tiến, ở thôn Đầu Suối B, cho hay: Trước đây, nhà mình trồng một số cây chuối xung quanh rẫy để ăn hoặc làm thức ăn cho gia súc, không nghĩ đến việc làm kinh tế từ cây trồng này, nhưng từ khi xã có chủ trương chuyển đổi cây trồng và được hướng dẫn đưa cây chuối sứ vào trồng, từ những mầm chuối ban đầu đã nhân giống lên hơn 100 cây. Nguồn thu từ chuối giúp tôi có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày.

Cây chuối sứ không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc trên vùng đất Phước Chiến.

Theo một thương lái thu mua chuối ở xã Hộ Hải (Ninh Hải), với điều kiện khí hậu, thỗ nhưỡng đặc thù, chuối sứ ở xã Phước Chiến có hương vị khác biệt so với nơi khác, chuối cho buồng to, trái tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Ngoài việc sử dụng làm thực phẩm trong đời sống hằng ngày, nhất là trong dịp lễ, tết nhiều khách hàng tìm mua để cúng kính nên có giá cao gấp đôi so với ngày thường.

Đồng chí Đá Mài Bắn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Chiến, cho biết: Toàn xã hiện có 800 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng đa phần là diện tích đất sỏi, khô cằn nên sản xuất nông nghiệp của người dân rất hạn chế. Để cây chuối sứ phát triển ổn định như ngày hôm nay là một quá trình, cán bộ nông nghiệp thường xuyên bám rẫy, “cầm tay chỉ việc” để hướng dẫn bà con trong suốt quá trình chăm sóc đến khi thu hoạch, những nỗ lực trên đã thu được kết quả thỏa đáng. Phong trào trồng chuối sứ nhanh chóng được lan tỏa, chỉ vài ha ban đầu, đến nay đã nhân rộng lên khoảng 200 ha; đây là cây trồng có chi phí đầu tư thấp, hầu như không tốn công chăm sóc, có thị trường tiêu thụ ổn định. Nếu so với các loại cây khác, chuối sứ là cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tập quán canh tác của bà con đồng bào Raglai tại địa phương.

Có thể nói, cây chuối sứ đã khẳng định được ưu điểm vượt trội, không chỉ cho năng suất cao mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc trên vùng đất Phước Chiến. Định hướng của xã là tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân cải tạo lại vùng đất trống, sườn đồi để mở rộng diện tích trong những năm tới. Tuy nhiên, để cây chuối sứ phát triển và nhân rộng hơn nữa, chính quyền cũng như người dân địa phương rất cần sự quan tâm của ngành chức năng trong việc định hướng sản xuất tập trung hàng hóa, tập huấn khoa học-kỹ thuật, để cây chuối sứ thực sự trở thành cây “xóa đói, giảm nghèo” trên địa bàn.