Theo BQL rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, hiện đơn vị đang quản lý, bảo vệ và sử dụng 15.908 ha rừng trên địa bàn 5 xã ven biển thuộc huyện Thuận Nam. Những năm gần đây, công tác tuần tra, kiểm tra được triển khai thường xuyên, kết hợp với công tác quản lý, BVR. Từ đó, người dân sống trong rừng và ven rừng ngày càng nâng cao ý thức, cùng chung tay BVR. Đặc biệt, việc xây dựng có hiệu quả các mô hình sản xuất kết hợp với BVR đã giúp các hộ nhận giao khoán đất rừng có cuộc sống ngày càng ổn định. Cụ thể, đơn vị giao 11.380 lượt ha rừng cho 77 hộ dân thuộc 4 nhóm cộng đồng nhận bảo vệ gắn với sinh kế gia đình theo mô hình “nông - lâm kết hợp”; giao khoán quản cho các đơn vị vũ trang nhận bảo vệ 11.867 lượt ha rừng tại các vùng giáp ranh.
Để phủ xanh đất trống núi đá, BQL đã đưa nhiều loại cây có khả năng chịu hạn như trôm, keo lai, phi lao, cóc hành, bạch đàn, thanh thất... vào trồng. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị trồng mới 692 ha rừng tập trung tỷ lệ cây sống cao và khoanh nuôi tái sinh 1.968 ha bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, cấp phát 235.000 cây trồng phân tán ở các khu dân cư. Đáng nói là, việc trồng thành công cây thanh thất đã góp phần phủ xanh các vùng núi đá, tăng độ che phủ rừng, tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, mở ra hướng mới trong việc lựa chọn loài cây triển vọng để trồng phục hồi rừng tại các khu vực rừng núi đá, rừng phòng hộ ven biển.
Ngưới dân tham gia trồng mới cây Thanh Thất trên vùng núi đá rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam. Ảnh: CTV
Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng cao, để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiểu thiệt hại tối đa do cháy rừng gây ra, ngay từ đầu năm 2022, BQL rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã thành lập một Ban Chỉ huy và 3 tổ chuyên trách BVR và PCCCR; phân công lịch trực PCCCR theo cấp dự báo cháy rừng để ngăn chặn kịp thời các trường hợp ra vào rừng trái phép vào mùa cao điểm. Đơn vị chuẩn bị sẵn những công cụ, dụng cụ PCCCR để sẵn sàng xử lý dập cháy khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Cụ thể, công cụ tập kết tại Trạm BVR Bầu Ngứ là 20 can nhựa, 10 cây rựa; Trạm BVR Bầu Ngứ cơ sở 2 Phước Dinh là 10 can nhựa, 7 cây rựa và Trạm BVR Thơm Tàu cơ sở Phước Diêm là 12 can nhựa, 7 cây rựa. Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã chấp hành và thực hiện tốt công tác trực, không có trường hợp nào tự ý bỏ ca trực; không có vụ cháy rừng nào xảy ra trên địa bàn đơn vị quản lý
Trước tình trạng khai thác cây rừng làm cây cảnh, lấn chiếm đất rừng, khai thác đất, cát, đá trái pháp luật xảy ra trong thời gian gần đây, đơn vị đã tăng cường công tác tuần tra, truy quét chống phá rừng, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tổ chức được 58 đợt/508 lượt người tham gia. Đặc biệt, đơn vị đã thành lập chốt BVR lưu động để tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác và vận chuyển cây có nguồn gốc từ rừng tự nhiên dọc theo tuyến đường ven biển Mũi Dinh - Cà Ná. Kết quả 2 chốt BVR lưu động đã tuyên truyền và ngăn chặn tổng cộng 69 lượt người và phương tiện ra vào rừng để chặt cây mai rừng và cây rừng tự nhiên, ngăn chặn xử lý ngay tại rừng tổng cộng 6 gốc cây bằng lăng, 5 gốc cây hải châu, 5 nhánh mai rừng.
Thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 213/UBND-KTTH ngày 14-1-2022 về việc xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất do Nhà nước quản lý tại khu vực đồi cát Nam Cương, đơn vị đã phối hợp kiểm tra khu vực 52 ha và khu vực đồi cát Nam Cương. Qua kiểm tra, đã thống kê diện tích bị chặt phá cây phi lao ở những khu vực trên khoảng 7,64 ha. Phối hợp với UBND xã Phước Diêm làm rõ việc người dân tự ý xây dựng chòi trái phép tại khoảnh 9, tiểu khu 210 và ra thông báo đối với vụ việc dựng chòi trái phép tại khoảnh 7, tiểu khu 213. Nhờ đó, trong lâm phần qua kiểm tra đến thời điểm hiện nay không phát sinh mới đối với các trường hợp xây cất nhà, trang trại trái phép trên đất lâm nghiệp.
Đối với công tác BVR vùng giáp ranh, BQL rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã phối hợp với BQL rừng lòng sông Đá Bạc, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) tổ chức thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, BVR vùng giáp ranh giữa hai đơn vị, từ tháng 3-2022 đến nay có khoảng 200 lượt người tham gia. Kết quả đã ngăn chặn và trục xuất nhiều người ra khỏi rừng. Hiện nay, tình trạng người dân vào khu vực rừng giáp ranh chặt cây le, khai thác cây có nguồn gốc từ rừng tự nhiên làm cây cảnh đã giảm đáng kể.
Việc BQL rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam triển khai đồng bộ các giải pháp BVR, tình hình vi phạm lâm luật trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm so với cùng kỳ. Tỷ lệ độ che phủ rừng tăng, đảm bảo môi trường sinh thái khu vực ven biển, góp phần vào phát triển du lịch.
Anh Tùng