Hỗ trợ nông dân chăm sóc cây trồng vụ hè - thu 2022

Vụ hè - thu 2022, toàn tỉnh gieo trồng hơn 30.303 ha; trong đó, lúa 14.445 ha; màu 15.857 ha. So với vụ đông - xuân 2021-2022, sản xuất vụ hè - thu gặp khó khăn hơn do thời tiết đầu vụ nắng nóng nên phải bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý theo hướng giảm diện tích lúa, tăng diện tích cây màu nhằm tiết kiệm nước tưới. Để sản xuất hiệu quả, thời điểm hiện nay ngành chức năng, các địa phương đang tập trung hướng dẫn nông dân chăm sóc các loại cây trồng đúng theo quy trình kỹ thuật.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), nhờ ngay từ đầu vụ nông dân xuống giống tập trung, đúng thời vụ đã được ngành Nông nghiệp khuyến cáo nên cây trồng đang phát triển tốt. Hiện nay, diện tích các trà lúa gieo sạ trong kế hoạch được kiểm soát sâu bệnh chặt chẽ. Đặc biệt, tại những cánh đồng lớn, công tác bảo vệ thực vật được tăng cường, đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở tích cực bám đồng ruộng theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trên cây trồng.

Để đạt mục tiêu phát triển sản xuất cây trồng theo hướng an toàn thực phẩm, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế nhằm nâng cao thu nhập của nông dân, ngành chức năng, các địa phương chú trọng hỗ trợ triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Theo đó, toàn tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện 31 cánh đồng lớn/4.241,3 ha đã thực hiện trong vụ đông - xuân; đồng thời, chuyển đổi cây trồng cạn 530 ha. Qua kiểm tra, thăm đồng của cán bộ chuyên môn ở các khu vực sản xuất trên chưa xuất hiện sâu bệnh phá hoại cây trồng.

Nông dân huyện Bác Ái chăm sóc cây mì. Ảnh: Phan Thanh

Những ngày đầu tháng 7, có mưa trên diện rộng, thời tiết mát mẻ giúp cây trồng phát triển tốt, đây là thời điểm thích hợp bón phân cho các loại cây trồng. Tùy vào giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây, ngành chức năng khuyến cáo nông dân áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, dự tính dự báo sâu bệnh kịp thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Đối với cây lúa, tiến hành bón phân đợt 2; riêng hoa màu cần thiết kế hệ thống tưới hợp lý, nhất là trên đất chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, không để úng cục bộ. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ từ các nguồn phế phẩm chăn nuôi, giảm bớt phân bón hóa học và thuốc trừ sâu bệnh nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất.

Báo cáo của Chi cục TT&BVTV, từ đầu vụ hè - thu đến nay, các loại dịch hại trên cây trồng được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, với thời tiết mưa nắng đan xen như hiện nay là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh, nhất là khả năng tái phát sinh bệnh khảm lá mì có thể xảy ra do nguồn bệnh vẫn còn tồn tại trên ruộng, rẫy. Vụ mì nào cũng vậy, bệnh khảm lá luôn là nỗi lo của nông dân trồng sắn. Tại huyện Bác Ái, vụ mì 2022 toàn huyện sản xuất khoảng 800 ha. Trước tình hình bệnh khảm lá gây hại những năm gần đây, địa phương đã chủ trương thay thế diện tích mì bị bệnh trước đây bằng những giống có khả năng kháng bệnh tốt. Nhờ vậy, đã khống chế được bệnh khảm lá, đến nay cây mì đã trồng được 1 tháng, thân và lá phát triển nhanh. Về tình hình sâu keo mùa thu trên cây bắp, Chi cục TT&BVTV đã đưa ra các khuyến cáo với nông dân để chủ động phòng trừ. Các địa phương bố trí cán bộ kỹ thuật thực hiện công tác điều tra phát hiện, theo dõi, dự báo chính xác. Vận động các hộ áp dụng biện pháp quản lý dịch hại để phòng, chống sâu keo mùa thu, bón phân cân đối phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng giúp cây bắp phát triển tốt.

Với sự vào cuộc của ngành chức năng, các địa phương trong hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chủ động chăm sóc cây trồng đúng theo quy trình kỹ thuật, tin tưởng vụ hè - thu 2022 sẽ đạt kết quả cao.