Ngư dân phấn khởi vào vụ cá Nam

Trong 6 tháng đầu năm 2022 cá nổi xuất hiện với tần suất dày, cao điểm là vào giữa tháng 2 đến nay. Mặc dù giá nhiên liệu cao, nhưng lượng tàu cá tham gia khai thác bình quân chiếm 80% tàu cá toàn tỉnh, với gần 70% tàu cá tham gia khai thác tại các ngư trường DK1, Trường Sa, và các khu vực giáp ranh. Sản lượng đánh bắt hải sản đạt hơn 57.000 tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ, thị trường tiêu thụ hải sản luôn ổn định.

Nguồn lợi hải sản đang bắt đầu xuất hiện, trong khi giá dầu giảm 3.000 đồng/lít sau kỳ điều chỉnh từ ngày 11-7, đã tạo động lực cho ngư dân trên địa bàn tỉnh phấn khởi ra khơi khai thác vụ cá Nam.

Ghi nhận tại Cảng cá Cà Ná (Thuận Nam) trong những ngày này, chúng tôi bắt gặp hàng loạt tàu cá của ngư dân liên tục cập bờ. Hoạt động mua bán hải sản vì thế cũng diễn ra khá nhộn nhịp. Theo đánh giá của ngư dân, hiện nay thị trường tiêu thụ hải sản ổn định, được giá nên các chuyến biển có lãi, tạo thêm động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển. Vừa trở về từ chuyến biển ngắn ngày, ông Phan Văn Loan ở thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná, chia sẻ: Gia đình tôi có 3 tàu cá hành nghề pha xúc. Thời gian gần đây, cá cơm bắt đầu xuất hiện, mỗi chuyến biển tàu của tôi đánh bắt được khoảng 500- 600 giỏ, tương đương khoảng 8- 10 tấn. Cá được thương lái thu mua với giá khá cao, 300 ngàn đồng/giỏ. Do đó, dù giá dầu ở mức khá cao so với trước, nhưng tính ra ngư dân vẫn có lãi khoảng 50 triệu đồng/chuyến sau khi trừ chi phí. Trong tâm trạng phấn khởi, sau mỗi chuyến biển chúng tôi kiểm tra lại ngư cụ để khi thời tiết thuận lợi là ra khơi ngay.

Cảng cá Cà Ná nhộn nhịp người mua bán hải sản.

Trong khi đó, tại Cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), ngày 17- 7, ngư dân Phan Văn Ly ở phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chủ tàu cá mang số hiệu NT-02088, chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương đang cùng các bạn tàu kiểm tra, sơn sửa lại tàu thuyền, chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết để chuẩn bị ra khơi. Chuyến ra khơi dự kiến kéo dài khoảng 1 tháng, anh chuẩn bị 300 triệu đồng để mua nhiên liệu, đá lạnh, đồ ăn thức uống cho 12 bạn thuyền và một số ngư cụ khác. Anh Ly, cho biết: Đã là ngư dân thì chỉ có vươn khơi bám biển, dù giá dầu cao chúng tôi cũng phải cố gắng tính toán, cân đối các khoản chi phí và liên tục theo dõi thông tin ngư trường để xuất bến chứ không thể để tàu nằm bờ mãi. Điều vui mừng là sau kỳ điều chỉnh vừa qua, giá dầu diesel 0.05 S đã hạ khoảng 3.000 đồng/lít, mỗi chuyến đánh bắt giảm được 20 triệu đồng tiền nhiên liệu so với trước.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong điều kiện hiện nay, để mỗi chuyến ra khơi đem lại hiệu quả cao, bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau bằng việc thường xuyên giữ liên lạc, chia sẻ thông tin về ngư trường, sản lượng khai thác thông qua các tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển. Những tàu cá chưa có điều kiện trang bị máy tầm ngư như của anh Phan Văn Ly cũng được các tàu đã lắp đặt thiết bị hỗ trợ thông tin khi phát hiện ngư trường có nhiều cá. Anh Ly chia sẻ thêm: Tàu cá của tôi có công suất 480 CV chưa có điều kiện để lắp đặt máy tầm ngư nhưng quá trình hành nghề trên biển tôi được anh em trong trong Tổ đoàn kết hỗ trợ rất nhiều. Hy vọng các chuyến biển vụ cá Nam sắp tới sản lượng đánh bắt đạt cao, tôi sẽ trang bị thêm thiết bị máy dò cá phục vụ việc đánh bắt trên biển. Cùng với đó, việc tham gia kết hợp giữa khai thác và bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng giúp tôi và hàng trăm chủ tàu thuyền khác trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ phần nào kinh phí mỗi chuyến ra khơi, giúp ngư dân chúng an tâm bám biển.

Báo cáo từ Chi cục Thủy sản tỉnh cho thấy, tình hình ngư trường trong 6 tháng đầu năm 2022 cá nổi xuất hiện với tần suất dày, cao điểm là vào giữa tháng 2 đến nay. Mặc dù giá nhiên liệu cao, nhưng lượng tàu cá tham gia khai thác bình quân chiếm 80% tàu cá toàn tỉnh, với gần 70% tàu cá tham gia khai thác tại các ngư trường DK1, Trường Sa, và các khu vực giáp ranh. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng đánh bắt hải sản 6 tháng đầu năm đạt hơn 57.000 tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ, thị trường tiêu thụ hải sản luôn ổn định.

Để giúp ngư dân vượt qua khó khăn trong điều kiện giá nhiên liệu còn cao, thời gian qua ngành Thủy sản đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực thông qua việc tăng cường công tác dự báo và cung cấp rộng rãi thông tin ngư trường đến bà con ngư dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia khai thác vùng biển xa và thành lập các tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển để cùng hỗ trợ, chia sẻ thông tin trên biển với nhau; giới thiệu các công nghệ đánh bắt, bảo quản mới; vận động các chủ tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đáng ghi nhận hơn, trước tình hình giá nhiên liệu cao ảnh hưởng đến việc vươn khơi của ngư dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ hỗ trợ 6 tháng lương tối thiểu vùng cho ngư dân, Bộ Công Thương đề xuất bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng, dầu… Đây là điều mà phần lớn ngư dân đều mong đợi và hy vọng các chính sách này sớm được thực hiện.