Thuận Bắc hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững

Nhằm tạo động lực đưa kinh tế phát triển, huyện Thuận Bắc đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Huyện Thuận Bắc có quỹ đất canh tác lớn trên 8.600 ha, nhưng đa phần thuộc vùng gò đồi, xa nguồn nước và đặc biệt thường xuyên chịu tác động của nắng hạn, do đó hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Để góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, phát triển bền vững, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Để thực hiện thắng lợi nghị quyết trên, huyện Thuận Bắc tập trung ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất mới, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tăng cường hoạt động chuyển đổi cây trồng gắn với liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; tăng tỷ trọng chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu nông, lâm nghiệp tại địa phương.

Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) thu hoạch ớt. Ảnh: H. Lâm

Theo ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông qua thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, sản xuất nông nghiệp huyện Thuận Bắc có sự chuyển biến trong những năm gần đây. Theo đó, Huyện ủy, UBND đã kịp thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó, nổi bật là việc thành lập Tổ vận động Nhân dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa và đến nay có chuyển biến tích cực, hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định từng bước được xóa bỏ, các hộ dân mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, hình thành các vùng sản xuất nông sản chủ lực, với năng suất và chất lượng cao.

Ghi nhận tại một số vùng chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện, có thể thấy rõ cách làm kinh tế của nông dân đã có sự thay đổi đáng kể, việc lựa chọn cây trồng chuyển đổi có giá trị kinh tế cao gắn kết sâu rộng với thị trường tiêu thụ đã được chú trọng hơn so với trước đây. Chị Lê Thị Hồng, ở thôn Láng Me, xã Bắc Sơn, chia sẻ: Nhà tôi trồng 2,5 sào ớt sim trên đất lúa khoảng 3 năm nay, mỗi tuần hái từ 150-200 kg, được thương lái thu mua với giá 30.000-35.000 đồng/kg, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 3 tháng, cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa trước đây. Cùng với đó, huyện còn triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn; linh hoạt lồng ghép sử dụng vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, vốn vay ngân hàng để hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, kênh mương nội đồng, tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa nhiều giống cây mới trồng thí điểm và tổ chức nhân rộng đại trà, tạo sự đa dạng trong cơ cấu chuyển đổi cây trồng tại địa phương. Chỉ tính riêng trong vụ hè - thu 2022, toàn huyện thực hiện chuyển đổi 59 ha cây trồng trên chất đất lúa thiếu nước, nâng tổng diện tích đến nay lên trên 570 ha, với nhiều loại cây trồng mới có thị trường tiêu thụ rộng. Ngoài ra, địa phương còn duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như: Mô hình cánh đồng lúa lớn, quy mô 289 ha, sản xuất lúa giống trên 100 ha, năng suất đạt từ 7-7,5 tấn/ha; mô hình trồng mì cao sản 70 ha, năng suất hơn 25 tấn/ha; mô hình trồng măng tây xanh, nha đam khoảng 35 ha, làm tăng giá trị đơn vị diện tích.

Cây nha đam phát triển tốt trên vùng đất lúa thiếu nước, mang lại thu nhập cho nông dân xã Bắc Sơn.

Song song đó, vị thế ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện ngày càng được khẳng định, có những bước tăng trưởng khá, với tổng đàn gia súc có sừng trên 35.500 con, đàn heo hơn 10.000 con, đàn gia cầm 166.200 con. Sản phẩm gia súc, gia cầm được định hướng phát triển gắn liền với đặc thù miền núi, tạo sức hút riêng biệt, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Trong đó, heo đen và gà được xem là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu sản phẩm đặc thù của huyện. Phát huy lợi thế, các nông hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại, gia trại để tổ chức nuôi với số lượng lớn. Đặc biệt, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường đối với hai sản phẩm này, huyện đã tạo điều kiện cho Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá (xã Lợi Hải) liên kết với người dân xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi theo quy trình khép kín với hàng trăm con heo đen và gà núi, mỗi năm xuất bán với số lượng lớn, đem lại lợi nhuận đáng kể. Công tác tuyên truyền, vận động người dân từ tập quán chăn thả sang nuôi tập trung, khuyến khích áp dụng các mô hình chăn nuôi mới được quan tâm, chú trọng là cơ sở quan trọng giúp tăng thu nhập cải thiện đời sống cho người dân.

Với việc thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ đột phá trong sản xuất, cùng với tinh thần đổi mới, sáng tạo tích cực lao động sản xuất của người dân, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác tại vùng chủ động nước tưới trên địa bàn huyện đến nay đạt trên 96 triệu đồng/ha/năm; ngành Chăn nuôi chiếm 52,9% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện.

Định hướng phát triển nông nghiệp của huyện Thuận Bắc trong thời gian tới là tập trung đầu tư vào khâu giống cây trồng, canh tác tiết kiệm nước, đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nắng hạn, thổ nhưỡng của từng vùng theo bản đồ nông hóa thổ nhưỡng đã được phê duyệt; từng bước thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản xuất. Phát triển chăn nuôi toàn diện, đồng bộ, hướng tới quy mô công nghiệp, bán công nghiệp gắn với các cơ sở giết mổ và chế biến tập trung, chú trọng phát triển mô hình chăn nuôi bò 3B và xây dựng thương hiệu đối với vật nuôi chủ lực. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động liên kết doanh nghiệp, phát huy vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất, phấn đấu đưa nông nghiệp của huyện từng bước đi lên và phát triển bền vững.