Đổi mới trên quê hương Phước Trung anh hùng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân xã Phước Trung (Bác Ái) một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, kiên cường chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương.

Chính nơi đây đã sản sinh ra hai Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Pi Năng Thạnh và Chamaléa Châu, những người con ưu tú quê hương Bác Ái viết lên trang sử hào hùng của đồng bào Raglai, góp phần giải phóng gần 2.000 người dân thuộc các xã Phước Trung, Phước Kháng khỏi Khu tập trung Đồng Dày. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xã Phước Trung anh hùng đang khoác lên mình một diện mạo mới, với khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Sau năm 1975, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong đầu tư các công trình thủy lợi, công trình phục vụ dân sinh đã giúp đồng bào nơi đây có điền kiện sản xuất, ổn định cuộc sống. Để giúp người dân nâng cao thu nhập, những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nhờ đó đã giúp nhiều hộ từng bước thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá, giàu.

Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả gần 1,2 ha với các giống cây trồng như: Bưởi da xanh, mít ruột đỏ, mãng cầu Thái, chuối sứ của gia đình bà Sần Kim Miền ở thôn Rã Giữa mới thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng mang lại. Bà Miền cho biết: Trước đây gia đình tôi chỉ trồng bắp và đậu ván một vụ với thu nhập bấp bênh. Từ ngày xã vận động bà con chuyển đổi cây trồng, gia đình đã mạnh dạn vay vốn, cải tạo đất, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm và trồng các loại cây ăn quả. Qua 4 năm trồng, đến nay vườn cây ăn quả của gia đình đã cho quả ngọt, trong năm nay gia đình tôi thu lãi trên 70 triệu đồng từ bán các loại cây ăn quả.

Cuộc sống gia đình bà Sần Kim Miền ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung
ngày càng ổn định nhờ phát triển vườn cây ăn quả.

Nhờ chủ trương vận động người dân chuyển đổi cây trồng từ những vùng đất dốc trồng bắp và lúa rẫy kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã giúp địa phương hình thành vùng cây ăn trái với diện tích gần 40 ha, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Song song với việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi gia súc cũng được coi là thế mạnh của địa phương. Từ năm 2015 đến nay, UBND xã đã vận động gần 100 hộ chuyển sang mô hình chăn nuôi dê, cừu sinh sản. Qua hơn 7 năm triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế. Đến nay, trên địa bàn xã đã phát triển đàn gia súc trên 22.000 con; trong đó, đàn dê, cừu khoảng 10.000 con. Là một trong những người đi đầu trong thực hiện mô hình chăn nuôi dê, cừu theo hướng sinh sản ở xã Phước Trung, anh Chamaléa Thiêng ở thôn Đồng Dày tâm sự: Trước đây đời sống còn nhiều khó khăn, nay nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, bà con đã khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất, chăn nuôi, đã có đủ cái ăn, nhiều người giàu có. Các công trình như điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Về Phước Trung hôm nay dễ dàng nhận thấy nhiều ngôi nhà mới khang trang xây dựng dọc hai bên đường, điện chiếu sáng đến từng nhà dân, 95% hộ có nước sạch sinh hoạt, trên 70% hộ có ti vi, xe máy... Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Phước Trung, cho biết: Là một xã anh hùng, hầu hết các gia đình nơi đây đều có công với cách mạng, nên những năm qua công tác “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được địa phương đặt lên hàng đầu. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và tỉnh cho công tác xóa đói, giảm nghèo, xã đã tạo điều kiện cho hàng trăm gia đình chính sách vay vốn để phát triển sản xuất. Nhờ vậy, bà con có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Các thế hệ người dân Bác Ái nói chung và người dân xã Phước Trung nói riêng luôn tự hào về truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, về tất cả những gì mà các thế hệ cha anh đã gây dựng nên bằng xương máu, công sức và trí tuệ để có ngày hôm nay.

Phát huy truyền thống của vùng đất anh hùng, thời gian tới xã Phước Trung tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng và điều kiện khí hậu, thổ những của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của Nhân dân.