Tp.Phan Rang-Tháp Chàm: Đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng

Bài cuối: Quyết tâm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm

Hiện trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đang thực hiện đồng loạt hơn 30 dự án, theo đó có hơn 4.500 hộ dân và tổ chức nằm trong diện thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (GPMB). Để đảm bảo các công trình, dự án được hoàn thành đúng tiến độ, thành phố quyết tâm hoàn thành công tác GPMB theo sự chỉ đạo chung của tỉnh.

Theo đánh giá của UBND thành phố, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên công tác BPMB còn gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là khu tái định cư tập trung hiện nay chưa đáp ứng về số lượng để bố trí kịp thời đất tái định cư cho các hộ gia đình bị thu hồi đất ở và nhà ở. Ngoài ra, việc ban hành bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất thị trường, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất hầu hết đều kê khai không đúng với giá trị thực tế. Do đó, hiện còn nhiều hộ tái định cư vẫn chưa có đất bố trí. Có những trường hợp đã có đất nhưng vì nhiều lý do không chịu nhận…

Dự án Đường đôi phía Nam vào Tp.Phan Rang- Tháp Chàm đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Uyên Thu

Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, UBND Tp.Phan Rang - Tháp Chàm đang kiến nghị UBND tỉnh quan tâm tiếp tục bố trí và đầu tư xây dựng Khu tái định cư tập trung để phục vụ nhu cầu tái định cư cho các hộ gia đình có thu hồi đất thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố. Đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá bồi thường về đất cho phù hợp với tình hình thực tế; khi thực hiện các dự án có thu hồi đất nên áp dụng hình thức đấu giá nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và nhà đầu tư. Cùng với đó, UBND thành phố tập trung chỉ đạo, phối hợp đẩy nhanh tiến độ GPMB cho các công trình, dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án: Khu đô thị K2, Dự án Môi trường bền vững...

Với quyết tâm nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh, nâng cao hiệu quả công tác GPMB, đến nay trong số hơn 2.300 lô đất các khu tái định cư, khu dân cư để giao đất ở lại cho người dân các dự án: Khu tái định cư K1, khu tái định cư đường đôi phía Nam vào thành phố, khu dân cư Mỹ Bình 1, khu tái định cư Phan Đăng Lưu, khu tái định cư K2..., UBND thành phố đã tổ chức bốc thăm và ban hành quyết định giao đất cho gần 2.000 lô; số còn lại đang thực hiện thủ tục để giao đất cho người dân trong dự án Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (K2); dự án Môi trường bền vững... Đối với dự án đường đôi phía Nam vào thành phố, tổng diện tích đất phải thu hồi là 43.610,2 m²/160 hộ gia đình và 2 tổ chức, UBND thành phố đã ban hành Quyết định bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, với tổng số tiền là trên 78,5 tỷ đồng. Công tác GPMB gần như đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Kênh Chà Là (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).

Đối với Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, kết quả thực hiện công tác GPMB giai đoạn 30% các hạng mục còn lại, gồm: Kênh Đông Nam và kênh Tấn Tài (đoạn TT5), có 111 hộ và 3 tổ chức phải thu hồi đất, với tổng diện tích 35.790 m2, trong đó có 6.520 m2 đất sạch thuộc Nhà nước quản lý. Đến nay, đã ban hành quyết định thu hồi đất và bồi thường 108 hộ (đạt 99,77%), với tổng số tiền trên 25 tỷ đồng. Đối với giai đoạn 70% gồm các hạng mục công trình: Kênh Tấn Tài (đoạn TT1, đoạn TT3, đoạn TT4, đoạn TT6), kênh Nhị Phước (đoạn NP1-NP2), kênh Chà Là (đoạn CL4-CL5), đường Huỳnh Thúc Kháng, hồ Đông Hải, hồ Điều hòa trung tâm. Có 1.258 hộ và 24 tổ chức trong diện phải thu hồi đất, với hơn 473.781,5 m2, trong đó có 176.878 m2 đất sạch thuộc Nhà nước quản lý. Đã ban hành quyết định thu hồi đất và bồi thường 300 hộ, trong đó đã có 274 hộ nhận tiền bồi trường, với tổng số tiền gần 66 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Minh Thái, Phó Chủ tịch UBND Tp.Phan Rang- Tháp Chàm cho biết: Công tác GPMB cơ bản đáp ứng cho đơn vị thi công triển khai thi công xây dựng công trình, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Hiện UBND thành phố tăng cường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố phối hợp với Chủ đầu tư và các cơ quan chuyên môn, địa phương liên quan tập trung các giải pháp khẩn trương đẩy nhanh tiến độ GPMB các hạng mục. Trước mắt, phấn đấu hoàn thành 100% mặt bằng các hạng mục: Kênh Đông Nam, kênh Tấn Tài (đoạn TT1-TT6), kênh Nhị Phước, kênh Chà Là và hoàn thành 60% mặt bằng các hạng mục: Đường Huỳnh Thúc Kháng, hồ Đông Hải, hồ Điều hòa trung tâm trước ngày 31-8-2022.

---------

* Đồng chí Châu Thị Thanh Hà, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm:

Với mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị thông minh, hiện đại vào năm 2025, hướng đến đô thị loại I vào năm 2030, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tập trung khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế, tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù, đầu tư phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, nâng cao chất lượng đời sống người dân trên địa bàn. Trong đó, chú trọng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các công trình, dự án tạo động lực thu hút đầu tư phát triển với phương châm hành động “Bám sát, chặt chẽ, quyết tâm, kiên trì, dứt điểm”. Để thực hiện tốt công tác này, Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số chủ trương, nhiệm vụ trọng tâm: Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước phát triển có thu nhập cao, Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 1-10-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đưa ra giải pháp hiệu quả, phù hợp, sát thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương.

Để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị thành phố xác định công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như cơ chế chính sách về GPMB, kịp thời bàn giao đất và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các công trình, dự án đảm bảo tiến độ theo quy định. Xác lập quy trình, kế hoạch GPMB của từng dự án đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Quan tâm triển khai chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trong diện phải thu hồi đất. Tăng cường khảo sát, đối thoại, tiếp công dân; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm đơn thư, khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân trong lĩnh vực đất đai ngay từ cơ sở. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những những sai phạm, tiêu cực trong công tác GPMB; động viên, biểu dương các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân trong vùng dự án.

* Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc phụ trách Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh:

Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có quy mô rất lớn, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) liên quan đến nhiều hộ gia đình và tổ chức. Nhận thức tầm quan trọng của dự án, cũng như nhận định trước những khó khăn, đơn vị đã phối hợp với UBND thành phố phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tế; chủ động làm việc với các xã, phường liên quan, trên cơ sở đó đến từng hộ gia đình, các tổ chức trong vùng dự án tuyên truyền, vận động, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cũng như hướng dẫn thực hiện đúng các quy trình thủ tục GPMB theo đúng quy định. Hằng tuần, Tổ GPMB họp giao ban đánh giá những kết quả đạt được, những vấn đề phát sinh trên cơ sở đó phối hợp xử lý, tháo gỡ. Với những giải pháp hiệu quả, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, nỗ lực của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, công tác GPMB cơ bản đáp ứng yêu cầu bảo đảm thi công đúng tiến độ. Qua quá trình thực hiện dự án, tôi nhận thấy một số bài học kinh nghiệm nâng cao hiệu quả GPMB cho các công trình, dự án. Trước hết, ngay từ khi bắt tay thực hiện, cần xác định, đánh giá những khu vực, vị trí quan trọng, khó khăn để từ đó tập trung các giải pháp giải quyết, góp phần tháo gỡ nút thắt trong GPMB. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đặc biệt là đối với những trường hợp có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, những trường hợp không hợp tác nhằm tạo đồng thuận ngay từ đầu.

* Đồng chí Hoàng Minh Khánh, Chủ tịch UBND phường Thanh Sơn:

Thời gian qua, trên địa bàn phường Thanh Sơn đã triển khai thực hiện một số dự án, đặc biệt Dự án Khu đô thị mới Đông Bắc có tầm chiến lược quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố, cũng như của tỉnh. Xác định tầm quan trọng của các công trình, dự án, ngoài phát huy tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ liên quan đến giải phóng mặt bằng theo phân cấp, UBND phường thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của tỉnh, thành phố, huy động, phối hợp với tổ chức mặt trận, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của người dân; đồng thời bám sát cơ sở kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất với cấp trên những giải pháp tháo gỡ. Để công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án đạt hiệu quả cao, theo tôi, chính quyền các địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý đất đai; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để Nhân dân nhận thức sâu sắc lợi ích chung mà các công trình, dự án mang lại. Có sự phối hợp tích cực giữa chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn cập nhật hồ sơ chính xác ngay từ ban đầu. Bên cạnh đó, tỉnh cần có các chế độ, chính sách thỏa đáng trong việc áp giá đền bù, cũng như giải quyết tốt vấn đề mưu sinh để bảo đảm cuộc sống, tạo sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án.

* Ông Nguyễn Thái Hòa, khu phố 4, phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm):

Gia đình tôi có hơn 1.000 m2 đất thuộc diện thu hồi giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án Khu đô thị mới Bình Sơn - Ninh Chữ. Lúc đầu nghe thông tin, gia đình tôi rất lo lắng, tuy nhiên sau khi được chính quyền địa phương, cán bộ khu phố, chủ đầu tư đến giải thích các chế độ, chính sách, tuyên truyền, vận động, qua đó nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích mà dự án mang lại, gia đình tôi đồng tình và sớm hoàn thành các thủ tục bàn giao đất. Ngoài số tiền bồi thường, gia đình tôi được cấp một lo đất chuyển đổi nghề. Là người dân trong vùng dự án, để công tác GPMB có kết quả cao, theo tôi trước tiên, tỉnh cần có các chế độ, chính sách ưa đãi, hỗ trợ về nơi ở, chuyển đổi nghề phù hợp để bảo đảm cuộc sống của người dân sau khi bàn giao mặt bằng. Các quy định đền bù, chế độ, chính sách phải được công khai, minh bạch, thông tin cho người dân biết sớm, chính xác để người dân không phải hoang mang, lo lắng. Ngoài ra, cán bộ làm công tác GPMB phải công tâm, trách nhiệm, tạo sự an tâm, tin tưởng cho người dân.