Tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2022: Cơ bản bảo đảm tiến độ

Thời điểm hiện nay, ngành chức năng, các địa phương đã hoàn thành tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm (GS,GC) đợt 1 năm 2022. Công tác tiêm phòng đạt được mục đích là tạo miễn dịch chủ động cho đàn GS,GC có khả năng đề kháng với các bệnh bệnh truyền nhiễm thường xảy ra, bảo đảm cho chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững.

Thực hiện Kế hoạch số 68/KH-SNNPTNT ngày 9-4-2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiêm phòng GS,GC đợt 1 năm 2022 trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY), các địa phương đã vào cuộc với quyết tâm tiêm phòng vắc xin đạt 80% tổng đàn GS,GC trên địa bàn tỉnh. Để công tác tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn GS,GC đạt kết quả cao, ngành chức năng, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng đến các hộ chăn nuôi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác tiêm phòng đối với đàn vật nuôi. Nhờ đó, các hộ chăn nuôi đã nâng cao ý thức, chủ động mua vắc xin về tiêm phòng cho đàn GS,GC. Tính đến đầu tháng 8, đàn trâu, bò tiêm phòng lở mồm long móng (LMLM) được 76.169 con/91.850 con, đạt 82,93% kế hoạch (KH) diện tiêm; tiêm phòng tụ huyết trùng 41.295 con/91.850 con, đạt 44,96% KH. Đàn heo tiêm phòng vắc xin LMLM đạt 93,97% KH; tiêm phòng dịch tả lợn cổ điển 152.640 con/132.200 con, đạt 115,46% KH; tiêm phòng tụ huyết trùng đạt 77,44% KH. Người chăn nuôi chủ động mua vắc xin tụ huyết trùng, LMLM tiêm phòng cho đàn dê, cừu với số lượng tiêm phòng 187.200 con/234.645 con. Tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm trên gà 868.725 con/959.400 con đạt 90,55% KH; tiêm phòng cúm gia cầm trên vịt 584.136 con/543.400 con, đạt 107,5% KH, dịch tả vịt đạt 105,73% KH.

Theo báo của Chi cục CN&TY, công tác tiêm phòng vắc xin GS,GC đợt 1 năm 2022 luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các huyện, thành phố và sự phối hợp của UBND cấp xã trong quá trình triển khai, thực hiện. Công tác thông tin, tuyên truyền tại các địa phương thường xuyên được phổ biến trên loa đài phát thanh, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn GS,GC. Các hộ chăn nuôi quy mô trang trại đã nhận thức và chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi để phòng ngừa dịch bệnh. Kinh phí từ ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 74.000 liều vắc xin LMLM và 1.126.400 liều vắc xin cúm gia cầm cho các địa phương để tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ưu tiên tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn trâu, bò của các xã thuộc vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các hộ chăn nuôi thuộc các chương trình dự án hỗ trợ, hộ gia đình chính sách, có công, hộ nghèo, cận nghèo và hộ nhỏ lẻ tại các xã thuộc vùng có nguy cơ cao đối với bệnh LMLM.

Tuy vậy, quá trình tiêm phòng có những khó khăn nhất định. Một số xã, phường, thị trấn cán bộ phụ trách nông nghiệp không có chuyên môn về thú y, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, cán bộ phụ trách thú y thay đổi liên tục, nên gây khó khăn trong phối hợp công việc; một số hộ chăn nuôi nhận thức về phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế, nên không hợp tác trong công tác tiêm phòng, nhất là những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng miền núi chăn thả gia súc trên nương rẫy, núi cao, gây khó khăn trong tiêm phòng, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp. Một số huyện hỗ trợ chi trả công tiêm phòng vắc xin LMLM cho lực lượng tham gia tiêm phòng ở các vùng khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2021 đến nay vẫn chưa được thanh toán, nên các xã gặp khó khăn trong việc huy động cán bộ thú y tiêm phòng. Mặt khác, công tác kê khai chăn nuôi tại một số địa phương chưa triển khai, gây khó khăn trong việc xây dựng KH chỉ tiêu và triển khai tiêm phòng cho phù hợp theo từng địa phương.

Để tiếp tục tạo miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi, sau kết thúc tiêm phòng vắc xin GS,GC đợt 1 năm 2022, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, trạm liên quan phối hợp UBND cấp xã tiếp tục tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh, tái đàn; gia súc chưa được tiêm phòng trong đợt 1 và thực hiện kê khai chăn nuôi trong quý III-2022 để chuẩn bị cho việc xây dựng KH tiêm phòng đợt 2 năm 2022 tại các địa phương.