Hiệu quả từ Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn

Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn (VS&NSNT) dựa trên kết quả vốn vay Ngân hàng Thế giới được triển khai tại 21 tỉnh khó khăn khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ từ năm 2016. Trong đó, tỉnh ta được triển khai thực hiện trên phạm vi 6 huyện từ năm 2016-2021 và được gia hạn đến tháng 7-2023, với tổng vốn đầu tư hơn 230 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới trên 210 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả các hợp phần của chương trình, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị gồm: Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch, thống nhất phương án thực hiện và đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cơ bản đảm bảo mục tiêu đề ra của chương trình.

Thông qua nguồn vốn hỗ trợ, các ngành liên quan chủ động phối hợp với các địa phương nằm trong vùng hưởng lợi tiến hành khảo sát vị trí cũng như rà soát các hệ thống cấp nước (HTCN) xuống cấp để ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp kịp thời. Điển hình như Dự án Tu sửa, mở rộng HTCN Hữu Đức - Hậu Sanh - Núi Tháp thuộc xã Phước Hữu (Ninh Phước), qua thời gian dài hoạt động đã bị xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho các hộ dân tại địa phương. Nhằm cải thiện tình hình trên, năm 2019, Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh tập trung triển khai thi công các hạng mục như: Nhà hóa chất, máy bơm, bể lọc, thay mới van điều tiết nước khu xử lý nước, với kinh phí hơn 6,6 tỷ đồng. Công trình hoàn thành bàn giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành; nhờ đó, tạo nguồn cung cấp nước ổn định cho 2.100 hộ trên địa bàn. Bà Dương Thị Chánh, ở thôn Hữu Đức, phấn khởi: Trước đây, khi công trình chưa được sửa chữa, nhiều hộ thường xuyên đối mặt với cảnh thiếu nước trong mùa nắng nóng và bị nhiễm bẩn vào mùa mưa; hơn 2 năm trở lại đây, chất lượng nước đã cải thiện đáng kể, nước trong và không có mùi vôi, bà con thoải mái sử dụng.

Người dân trong vùng hưởng lợi huyện Ninh Phước được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.

Tương tự, tại thôn Suối Le, xã Phước Kháng (Thuận Bắc) là khu vực chịu tác động gây gắt của nắng hạn nên nguồn nước sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy nhu cầu sử dụng nước của người dân thực sự cần thiết và cấp bách, năm 2018, UBND tỉnh quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng công trình, với tổng vốn đầu tư trên 8,5 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục lắp đặt 2 máy bơm ly tâm tại khu xử lý HTCN xã Phước Trung (Bác Ái), xây dựng khu bể áp lực và 1 bể chứa dung tích 200 m3, nối đường ống dài 1,2 km từ khu bể điều hòa về thôn Suối Le và lắp đặt đồng hồ nước miễn phí cho toàn bộ hộ dân trong thôn. Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng, chia sẻ: Suối Le là thôn đặc biệt khó khăn, nằm cách xa trung tâm xã, toàn thôn có khoảng 100 hộ, với gần 400 nhân khẩu, là nơi sinh sống của đồng bào Raglai. Nếu như những năm trước đây, để có nước sinh hoạt cho gia đình, bà con có những giải pháp tạm thời như nạo vét, lấy nước giữa lòng khe suối hoặc sử dụng nguồn nước từ các giếng khoan do chính quyền địa phương hỗ trợ đào; tuy nhiên, tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra thường xuyên. Từ khi có công trình nước sạch, bà con hết sức vui mừng, yên tâm lao động phát triển sản xuất.

Nằm trong khuôn khổ của chương trình, từ năm 2016 đến nay, đối với hợp phần cấp nước cho cộng đồng dân cư, toàn tỉnh đã thi công hoàn thành 12/13 công trình và hiện tại đang đẩy nhanh tiến độ thi công 1 công trình bổ sung, mở rộng HTCN nguồn cho 8 HTCN sinh hoạt trên địa bàn huyện Ninh Phước, với tiến độ đến nay đạt trên 80%, dự kiến hoàn thành giữa tháng 8 năm nay. Về hợp phần cấp nước vệ sinh cho các trường học trên địa bàn tỉnh, đã hoàn thành xây mới 74 công trình, đạt 100%. Còn lại hợp phần vệ sinh môi trường nông thôn, đã xây mới 802 nhà vệ sinh tại khu dân cư, có 8/8 xã được xây dựng nhà vệ sinh tại các trạm y tế, đạt 100% mục tiêu của chương trình yêu cầu. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ dân số nông thôn có nước sạch và sử dụng nhà vệ sinh đạt quy chuẩn đạt khoảng 95%, giúp đẩy nhanh hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Đến nay, các mục tiêu của Chương trình Mở rộng quy mô VS&NSNT đã phát huy hiệu quả rõ nét. Nhằm thực hiện đảm bảo các nội dung, tiêu chí yêu cầu của chương trình trong năm 2022 và những năm tiếp theo, các ngành chức năng liên quan, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tập huấn hướng dẫn người dân trong việc thay đổi và hình thành thói quen sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; đồng thời, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giám sát, quản lý và bảo vệ nhằm phát huy hiệu quả các công trình sau đầu tư một cách hiệu quả, bền vững.