Trung tâm Khuyến nông tỉnh chú trọng hỗ trợ triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả

Trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động khuyến nông có nhiều chuyển biến tích cực. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với đơn vị chức năng, các địa phương xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KH-KT) có hiệu quả. Chương trình khuyến nông phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng.

Nhìn lại hoạt động của Trung tâm Khuyến nông tỉnh từ đầu năm đến nay, kết quả đạt được đáng kể, đầu tiên là công tác tập huấn không tổ chức dàn trải mà có sự chọn lọc các nội dung liên quan đến sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu như hai lớp tập huấn nông nghiệp công nghệ cao với nội dung “Kỹ thuật trồng cây dưa lưới trong nhà màng” tại Trang trại PT FARM, thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) tổ chức vào đầu tháng 5, thu hút được đông đảo nông dân ở các địa phương trong tỉnh tham dự. Các lớp tập huấn đổi mới theo hướng đa dạng, linh hoạt phù hợp với đối tượng, nội dung và điều kiện cụ thể; các học viên được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và chủ trang trại trao đổi nhiều kinh nghiệm trồng cây dưa lưới theo hướng công nghệ cao, giúp học viên có hướng nhìn mới hơn trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ các địa phương triển khai các mô hình chuyển giao KH-KT theo hướng tập trung ưu tiên các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm đã triển khai, nhân rộng 66 mô hình khuyến nông, với tổng kinh phí 15,5 tỷ đồng. Đối với trồng trọt, đáng kể là mô hình hình thâm canh cây mè tại xã Phước Chính (Bác Ái), quy mô 5 ha, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống và vật tư phân bón. Qua sản xuất thực tế, cây mè ít tốn công chăm sóc, có khả năng chịu hạn tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi rộng, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa trong thời gian tới. Các mô hình có hiệu quả như: Mô hình thâm canh đậu xanh; cây ăn quả; cỏ chăn nuôi; thụ tinh nhân tạo bò... tiếp tục được duy trì và mở rộng.

Riêng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, mô hình nuôi thương phẩm ốc hương 3 giai đoạn trong ao triển khai tại huyện Ninh Hải hứa hẹn tạo hướng làm giàu mới cho nông dân địa phương. Trong những năm gần đây, nghề nuôi ốc hương tại khu vực Đầm Nại phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, song người nuôi phải đối mặt với dịch bệnh và tác động của biến đổi thời tiết làm ốc giảm ăn và chết hàng loạt. Trước thực trạng trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình “Nuôi thương phẩm ốc hương 3 giai đoạn trong ao”. Hộ bà Huỳnh Thị Bích Vương, ở khu phố Cà Đú, thị trấn Khánh Hải thực hiện mô hình trên tổng diện tích 4.500 m2 được hỗ trợ 50% giống ốc hương và 50% thức ăn, thuốc hóa chất. Đây là phương pháp nuôi mới, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường đáy ao, dễ quản lý, chăm sóc và khống chế dịch bệnh tốt hơn, sẽ mở ra hướng nuôi mới để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Điểm mới đáng kể nữa trong hoạt động của Trung tâm Khuyến nông tỉnh là chú trọng kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở, trọng tâm là hỗ trợ, hướng dẫn thành lập Câu lạc bộ (CLB) khuyến nông xã Phước Hậu vào cuối tháng 4. CLB đảm nhiệm vai trò “cầu nối” giữa các trạm khuyến nông với người sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã, nhằm trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động chuyển giao các tiến bộ KH-KT, thông tin thị trường, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản phù hợp với đặc điểm sản xuất của địa phương. CLB là “ngôi nhà chung” cho các hội viên nông dân, cùng bàn bạc trao đổi những kinh nghiệm trong thực tế sản xuất, xây dựng các thành viên trong CLB trở thành những hạt nhân tiêu biểu về hoạt động tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng những tiến bộ KH-KT, đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân.

Phát huy những kết quả đạt được, 6 tháng cuối năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng, triển khai hướng dẫn thực hiện chuyển đổi cây trồng đảm bảo đúng theo kế hoạch của UBND tỉnh. Tiếp tục bố trí mô hình trình diễn, áp dụng tiến bộ KH-KT theo phương pháp canh tác mới về giống, phân bón, công nghệ tưới tiết kiệm nước, cơ giới trong gieo trồng và thu hoạch để giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng KH-KT vào sản xuất.