Người chăn nuôi gặp khó, khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng

Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục được các doanh nghiệp sản xuất điều chỉnh từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5 theo chiều hướng tăng giá. Chi phí thức ăn chiếm từ 65-70% trong cơ cấu giá thành sản xuất khiến nhiều hộ chăn nuôi không khỏi lo lắng.

Chủ đại lý thức ăn chăn nuôi Khâm Lý, phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho hay, từ đầu năm 2022 đến ngày 1-5, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh tăng 4 lần, mức tăng từ 300-700 đồng/kg tùy loại. So với năm 2021 thì mỗi bao cám tăng bình quân 20.000-40.000 đồng/bao. Theo đại lý thức ăn chăn nuôi Lãng Tiết Nguyệt, phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp chàm), các công ty kinh doanh các loại cám như: Cargill, Anco, De Heus, Anova Feed..., từ tháng 3 đến nay đã liên tục thông báo tăng giá thức ăn nuôi heo và gà thịt thêm 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm tăng 240 đồng/kg, các loại khác tăng 200 đồng/kg.

Nguyên nhân là từ năm 2021 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao do giá nhập khẩu nguyên liệu tăng, đẩy giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước tăng mạnh. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển tăng do giá xăng, dầu tăng cũng đã góp phần đẩy giá thành thức ăn tăng cao như hiện nay.

Ghi nhận tại một số đại lý bán thức ăn chăn nuôi trên địa bàn, giá thức ăn cho bò phổ biến từ 260.000-300.000 đồng/bao (25 kg); thức ăn cho heo có giá từ 300.000-350.000 đồng/bao (25 kg). Riêng túi cám đậm đặc 5 kg trước đó có giá từ 90.000-100.000 đồng thì nay tăng lên từ 120.000-140.000 đồng. Còn thức ăn cho gà có giá từ 300.000-340.000 đồng/bao (25 kg); thức ăn cho vịt, ngan... có giá bán dao động từ 280.000-300.000 đồng/bao.

Anh Trọng Hiếu ở thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận (Ninh Phước) cho biết: Cách đây vài ngày tôi ra đại lý mua cám cho bò ăn để vỗ béo mới biết giá tăng cao, lúc trước một bao cám chỉ khoảng 200.000 đồng, nay tăng lên gần 300.000 đồng. Mình chăn nuôi nhỏ lẻ còn đỡ, những người nuôi quy mô lớn thì phải “gồng” trước chi phí thức ăn khá lớn.

Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn là lớn nhất, nhiều hộ lo lắng vì chi phí thức ăn chăn nuôi hiện nay chiếm khoảng 80% giá thành sản xuất. Với tình hình này, giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu chững lại, trong khi đó, giá sản phẩm chăn nuôi không tăng, việc tiêu thụ khó khăn càng đẩy người chăn nuôi vào thế khó.

Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi cao, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các chủ hộ chăn nuôi cần tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ từ các phụ phẩm nông nghiệp để đa dạng thức ăn cho vật nuôi. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi để tránh tình trạng bỏ chuồng, không muốn tái đàn.