Thi đua xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Những năm qua, thực hiện phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp vận động, huy động cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới, tạo phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011-2020 đã huy động được 10.028 tỷ đồng để thực hiện chương trình, đến cuối năm 2020 có 26/47 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng NTM (đạt 55,3%), vượt mục tiêu đề ra là 50%; đến nay, có 29/47 xã (61,7%) đạt chuẩn NTM mới, 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 huyện, thành phố hoàn thành tiêu chí NTM. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng dân cư. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn đã được cải thiện rõ rệt; có 100% khu dân cư vùng nông thôn tiếp cận nước sinh hoạt từ các hệ thống cấp nước tập trung; 96% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt. Hơn 248 km đường nông thôn được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới; hơn 555,8 km kênh mương cấp 3, 4 được xây dựng, tu bổ; hệ thống lưới điện được cung cấp đến tất cả các thôn; cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, thôn, chợ, điện, bưu điện... đã đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân về phát triển kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, văn hóa văn nghệ, thông tin liên lạc, mua bán trao đổi hàng hóa...; mức chênh lệch giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người tăng 3,5 lần so với năm 2011 và 2,05 lần so với năm 2015 (thu nhập bình quân đầu người năm 2011 là 11,96 triệu đồng/người; năm 2015 là 20,4 triệu đồng/người; năm 2021 là 41,9 triệu đồng/người).

Một góc xã Nông thôn mới Phước Thuận (Ninh Phước) được đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản đồng bộ. Ảnh: Văn Nỷ

Phát huy các thành quả đạt được, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 2685/KH-UBND phát động phong trào thi đua xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 với chủ đề thi đua “Xây dựng nông thôn mới phải là cuộc cách mạng trong nông nghiệp” thực hiện theo phương châm “Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra - Dân thụ hưởng” là cốt lõi, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đồng lòng xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng NTM được phát huy ở mức cao nhất dựa trên nguyên tắc “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Thông qua phong trào thi đua nhằm góp phần xây dựng NTM phát triển đồng bộ, toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 4 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; ít nhất 38/47 xã đạt chuẩn xã NTM, trong đó ít nhất 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; không còn số xã đạt dưới 15 tiêu chí. Phấn đấu duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí các huyện, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao (đến năm 2021 theo Bộ tiêu chí cũ) đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí NTM các cấp theo các mức độ đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; không để bị thu hồi danh hiệu.

Để đạt được mục tiêu trên, cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm chính trị của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM. Công tác chỉ đạo triển khai xây dựng NTM phải thực hiện đồng bộ, toàn diện đối với tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, đồng thời tập trung ưu tiên chỉ đạo các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, các xã đặc biệt khó khăn. Tham mưu xây dựng, ban hành các chính sách thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 sát với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương. Xây dựng chính sách và giải pháp hỗ trợ các thôn ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa xây dựng NTM và một số nội dung của chương trình còn đạt tỷ lệ thấp.

Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh trật tự... Huy động tối đa các nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn và các nguồn vốn khác để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, thực hiện xã hội hóa các nguồn lực để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong Nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển. Các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục phát động phong trào thi đua, tập trung tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.