Nông nghiệp công nghệ cao: Đòn bẩy giúp huyện Bác Ái phát triển

Bác Ái là huyện miền núi được hưởng chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhờ đó đến nay huyện đã được đầu tư cơ bản hoàn thiện về hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, các thiết chế văn hóa. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, lợi thế về quỹ đất sạch, rộng, giúp cho Bác Ái thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC).

Phát triển nông nghiệp CNC nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, tăng năng suất, chất lượng, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Xác định DN có vị trí quan trọng trong sự phát triển của nông nghiệp CNC, những năm qua, huyện Bác Ái luôn quan tâm, tạo điều kiện cho DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Đến nay, huyện đã quy hoạch được 3 vùng phát triển nông nghiệp CNC tại 3 xã: Phước Trung, Phước Tiến và Phước Thắng, qua đó đã thu hút được 5 DN đầu tư sản xuất với các loại cây trồng và vật nuôi như: Mía, dưa lưới, dưa lê, rau sạch, bưởi da xanh, mô hình trồng chuối già Nam Mỹ... lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã Phước Tiến (Bác Ái). Ảnh: V.M

Bên cạnh đó, trong những năm qua, huyện đã triển khai nhiều mô hình gắn với lựa chọn, nghiên cứu khả năng thích nghi để hình thành bộ giống sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn huyện giúp người dân nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế với các loại cây trồng như: Điều BN1 hạt chùm, điều BN1 hạt ghép; mỳ cút xanh, cút đỏ; bưởi da xanh, xoài Thái, chanh không hạt. Ngoài ra, còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện đề án “Bảo tồn giống chuối mồ côi tại xã Phước Bình”; phối hợp với Vườn quốc gia Phước Bình thực hiện đề án “Bảo tồn nguồn nấm linh chi”... Đến nay, các mô hình đã chuyển giao cho người dân thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, những năm qua huyện đã thu hút được 2 công ty và 17 trang trại chăn nuôi heo liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam và CJ, quy mô từ 600-4.800 con. Các mô hình chăn nuôi trang trại tập trung, an toàn dịch bệnh, ứng dụng khoa học - công nghệ, trang thiết bị hiện đại, chọn con giống chất lượng cao. Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các trang trại, giá trị sản xuất hàng hóa đạt gần 1 tỷ đồng/ha đất sản xuất mỗi năm. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt nhằm giúp người dân dần cải tạo chất lượng đàn bò, nhờ đó đàn bò trên địa bàn huyện dần được cải tạo chất lượng trên diện rộng, giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Trong năm 2020, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh với đề tài “Điều tra, chọn lọc, phục tráng và phát triển giống heo đen địa phương của huyện Bác Ái”. Đến nay, mô hình đã chuyển giao cho Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất tổng hợp Nông nghiệp Phước Đại và Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Phước Tiến, qua đó giúp các xã viên có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung ở xã Phước Tiến.

Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, cho biết: Nông nghiệp CNC đang tạo động lực phát triển cho huyện Bác Ái, đây sẽ là điều kiện quan trọng để nông dân địa phương chuyển từ hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, có quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa dồi dào, chất lượng, mở ra hướng làm giàu mới cho người dân. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC trên địa bàn. Khuyến khích, tạo điều kiện và có chính sách ưu đãi thu hút các tổ chức, nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ ở địa bàn, nhất là việc tuyển chọn, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù gắn với hình thành và phát triển hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất; phát huy hiệu quả của 4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông để tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ từ nghiên cứu, thực nghiệm, sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục củng cố, xây dựng mối liên kết bền chặt giữa nông dân với DN tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa dồi dào và chất lượng trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về đất đai, lao động ở địa phương.