Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, trong tháng 5, nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng (NH) tiếp tục được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ, của NHNN Việt Nam và của tỉnh. Đặc biệt các giải pháp thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Tính đến cuối tháng 5, doanh số cho vay toàn tỉnh đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 664 tỷ đồng so với cuối năm 2021, bằng 88,69% kế hoạch năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 13.700 tỷ đồng, với 126.210 lượt khách hàng còn dư nợ; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp doanh số lũy kế từ đầu chương trình đạt 109,7 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu, dư nợ đạt 600 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa đạt 6.560 tỷ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ, dư nợ đạt 1.450 tỷ đồng; cho vay DN ứng dụng công nghệ cao, dư nợ đạt 283 tỷ đồng.
Khách hàng giao dịch tại Sacombank Ninh Thuận. Ảnh: Văn Nỷ
Đặc biệt, hệ thống NH trong tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh với doanh số gần 10.100 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay của DN 5.680 tỷ đồng, dư nợ vay của khách hàng cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh 4.411 tỷ đồng. Các NH trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi, bổ sung của NHNN Việt Nam, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 443 khách hàng, với tổng giá trị nợ 540 tỷ đồng; trong đó DN 413 tỷ đồng, với 58 khách hàng; khách hàng hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân 127 tỷ đồng, với 385 khách hàng. Miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, với tổng giá trị 39 tỷ đồng đối với 10 khách hàng, số tiền lãi đã được miễn giảm lũy kế là 0,34 tỷ đồng. Ngoài ra, để giúp các DN và hộ kinh doanh, hộ gia đình phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh, các NH cũng đã cho vay mới với doanh số đạt 21.706 tỷ đồng. Trong đó, cho vay mới DN 10.878 tỷ đồng, cho vay khách hàng là hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân 10.827 tỷ đồng. Đối với những khoản cho vay mới, một số NH đã áp dụng các gói, chương trình vay ưu đãi để hỗ trợ khách hàng, nhất là các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Về thực hiện chính sách cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chủ động liên hệ với người sử dụng lao động để nắm bắt thông tin, tiếp cận, tư vấn, phổ biến chính sách, hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ vay vốn để cho vay khi có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.351 DN, người sử dụng lao động, trong đó, có 1.042 người sử dụng lao động có người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đã giải ngân cho vay 7 khách hàng, với 1.816 lao động, số tiền 16,51 tỷ đồng, bao gồm trả lương ngừng việc 0,64 tỷ đồng cho 187 lượt lao động; trả lương phục hồi sản xuất sau khi tạm dừng hoạt động 15,87 tỷ đồng, cho 4.831 lượt lao động... qua đó đã góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Với những kết quả đạt được, thời gian tới, trong điều kiện tỉnh ta đã kiểm soát được tình hình dịch COVID-19, đang trở lại trạng thái “bình thường mới”, Chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách và giải pháp của ngành, nhằm hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh; các lĩnh vực tỉnh có lợi thế đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song song đó, Chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Theo dõi, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động NH trên địa bàn tỉnh để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; báo cáo và đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương có hướng giải quyết kịp thời. Ngoài ra, Chi nhánh NHNN tỉnh cũng tăng cường công tác thanh tra, giám sát trong việc chấp hành các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19 của các ngân hàng trên địa bàn, không để xảy ra sai sót, nhằm tạo điều kiện cho các DN, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế địa phương.
Nhật Nguyên