Chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,59% so với cùng kỳ năm trước

Trong tháng 5-2022, nhờ tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát ổn định; mặt khác trong tháng còn có nhiều ngày nghỉ lễ tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5 ước đạt 2.759,5 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng trước và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.246,4 tỷ đồng, tăng tương ứng 3,6% và tăng 24,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 323,9 tỷ đồng, tăng 6,5% và tăng 28%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 0,3 tỷ đồng, tăng 24,3% và giảm 10,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 188,9 tỷ đồng, tăng 4,4% và tăng 36,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 12.794,6 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Người dân mua hàng tiêu dùng tại siêu thị Coopmart Thanh Hà. Ảnh: Văn Nỷ

Xét theo ngành hoạt động, trong 5 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 10.416,6 tỷ đồng, chiếm 81,4% và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; may mặc giảm 5,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 18,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 3,3%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.462,4 tỷ đồng, chiếm 11,4% và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 0,9 tỷ đồng, chiếm 0,01% và giảm 35,2%. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 914,7 tỷ đồng, chiếm 7,1% và tăng 13,1%.

Cùng với đó, trong tháng 5 giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào đều tăng, nhất là giá xăng dầu tăng theo giá thế giới, đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng, tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung trong tháng 5-2022 tăng 0,28 điểm phần trăm. Nếu so với tháng trước, chỉ số CPI trên địa bàn tỉnh tăng 0,62% và so với cùng kỳ năm trước CPI tăng 3,12%.

Cửa hàng kinh doanh của Chi nhánh Xăng dầu Ninh Thuận.

Theo phân tích của Cục thống kê tỉnh, trong mức tăng 0,62% của CPI tháng 5 so với tháng trước, có 9/11 nhóm có chỉ số giá tăng, trong đó: Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,01%, do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào các ngày 4, 11 và 23-5-2022, đã làm cho giá xăng tăng 5,92%; dầu diezen tăng 4,0%; giá xe máy tăng 1,72%; phụ tùng xe tăng 1,16%; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 3,26%. Tiếp đến, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,87% chủ yếu là giá bia tăng cao do giá nguyên liệu nhập khẩu sản xuất bia tăng, cộng với thời tiết chuyển nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng tăng, cụ thể: Giá bia chai tăng 9,89%, bia lon tăng 10,95%; nước uống tăng lực đóng chai tăng 0,33% so với tháng trước. Nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 1,05% do giá xăng dầu và chi phí sản xuất tăng, trong đó giá vải các loại tăng 2,93% so với tháng trước; quần áo may sẵn tăng 1,11%; mũ nón tăng 0,73%; giày dép tăng 0,68%.

Các nhóm còn lại như: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,83% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,82% do giá thép tăng; giá điện và nước sinh hoạt tháng 5-2022 tăng theo nhu cầu sử dụng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng: Bàn là điện tăng 1,87% so với tháng trước, ổ cắm điện tăng 2,79%; ấm, phích điện tăng 4,41%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,59% do chi phí vận chuyển và sản xuất tăng. Nhóm giáo dục tăng 0,12%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,02% do giá nguyên liệu đầu vào, giá cước vận chuyển tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến khác như giá mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 1,03% so với tháng trước; bánh mì tăng 4,78%; bột mì tăng 1,22%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,23%. Nhóm duy nhất có chỉ số giá giảm là thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,04%. Riêng nhóm bưu chính, viễn thông không thay đổi.

Kết quả trên đã tác động đưa CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.