Người tiêu dùng ngày càng tin yêu hàng Việt

Với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đang tạo được sức lan tỏa, tạo thói quen ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt và niềm tin của người tiêu dùng (NTD) đối với những sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Có thể thấy, CVĐ đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, mang ý nghĩa to lớn về nhiều mặt. Đó là khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, góp phần xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, NTD ủng hộ mua sắm, sử dụng. Những năm qua, CVĐ luôn được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường bước đầu được triển khai có hiệu quả, công tác quản lý nhà nước về thương mại, dịch vụ được thực hiện thường xuyên. Một số sản phẩm hàng hóa trong tỉnh bước đầu được xây dựng thương hiệu và mã truy xuất nguồn gốc và một số sản phẩm đạt chuẩn OCOP như: Nước mắm, măng tây xanh, nho, táo, cừu, dê... góp phần nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa thương hiệu Việt.

Khách hàng chọn mua hàng Việt tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: Phan Bình

Là doanh nghiệp tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển hàng Việt, Co.opmart Thanh Hà ưu tiên liên kết với các hợp tác xã, cơ sở, nông hộ tại địa phương, hiện siêu thị tiêu thụ mặt hàng rau, củ, quả của các cơ sở: Nguyễn Đức Ngà, Nguyễn Văn Trinh, hộ nông dân Nguyễn Linh ở phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) và nhiều sản phẩm được sản xuất trong tỉnh như: Rong sụn, nho, táo sấy Cô 5... Tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà luôn duy trì khoảng trên 13.000 mặt hàng các loại, trong đó hàng Việt Nam sản xuất chiếm 90%, tạo thuận lợi cho khách hàng lựa chọn, mua sắm. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Đào, Phó Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Thanh Hà thì hàng Việt có ưu điểm nổi bật là chất lượng tốt, giá cả phải chăng, có hướng dẫn sử dụng rõ ràng nên NTD ngày càng quan tâm và lựa chọn mua hàng hóa trong nước sản xuất nhiều hơn.

Khảo sát tại một số chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh cho thấy, các mặt hàng mang thương hiệu Việt chiếm tới 90% thị phần. Chị Nguyễn Thị Diệp, chủ cửa hàng tạp hóa sành sứ tại chợ Dư Khánh (Ninh Hải) cho biết, cửa hàng chị chuyên bán đồ sành sứ, những năm gần đây, NTD không còn chọn hàng rẻ tiền không có xuất xứ nữa, mà chỉ chọn hàng Việt Nam có nhãn hiệu rõ ràng. Vì thế, cửa hàng chỉ nhập hàng sành sứ của các doanh nghiệp trong nước. Nhìn chung, hiện nay hàng Việt Nam mình có mẫu mã đẹp, hoa văn đa dạng với các hình ảnh quen thuộc của Việt Nam như: Sen, tre, trúc, chim lạc... nên được NTD ưa chuộng, giá cả cũng phù hợp với thu nhập của người dân vùng nông thôn, so với hàng ngoại thì hàng Việt có nhiều lợi thế riêng nhờ hiểu được thói quen của NTD trong nước. Vì thế sức tiêu thụ của các sản phẩm này cũng khá cao.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải). Ảnh: Tiến Mạnh

Chị Lê Thị Loan, ở thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) chia sẻ: Trước đây khi mua hàng tôi ít quan tâm đến nguồn gốc, nhưng mấy năm trở lại đây được nghe nhiều tin tức tuyên truyền về chất lượng hàng Việt Nam, nhất là sau đợt dịch tôi chú trọng đến việc đảm bảo sức khỏe hơn nên giờ không chỉ tôi mà cả gia đình chỉ ưu tiên chọn hàng Việt mình sản xuất, vừa yên tâm chất lượng, có hướng dẫn sử dụng rõ ràng, mà giá cả lại hợp lý.

Có thể nói, CVĐ đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý của các doanh nghiệp cung ứng cũng như NTD về hàng hóa xuất sứ trong nước và quyết định lựa chọn. Hàng Việt ngày càng chiếm niềm tin của khách hàng do cơ bản có nguồn gốc, nhãn hiệu, chất lượng ngày càng cải thiện và được công bố rõ ràng, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy suất để NTD dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm. Theo đánh giá từ các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh thì hiện nay tỷ lệ hàng ngoại nhập không đáng kể, chất lượng không hơn hàng Việt trong khi giá bán thường cao do phải chịu thêm thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, vì thế NTD lựa chọn hàng trong nước nhiều hơn. Bên cạnh đó, NTD ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, ngoài mẫu mã, còn đặc biệt quan tâm đến sự an toàn đối với sức khỏe, nhất là sau thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Từ đó đã giúp cho hàng Việt tăng sức cạnh tranh với các hàng nhập ngoại, NTD ngày càng tin tưởng, chọn lựa các mặt hàng xuất xứ Việt Nam.