Người dân lo lắng khi giá cả nhiều loại thực phẩm đồng loạt tăng cao

Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, từ cuối tháng 4 đến nay, khi giá xăng dầu tăng, giá cước vận tải tiếp tục ở mức cao khiến cho nhiều mặt hàng thực phẩm như: Gạo, rau củ quả, thủy hải sản, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, mì ăn liền... hình thành mặt bằng giá mới cao hơn so với trước đây.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, chủ một sạp tạp hóa ở chợ Phước Thuận (Ninh Phước) cho biết, thời gian gần đây, giá nhiều loại thực phẩm, gia vị tăng cao. Đặc biệt, giá dầu ăn các loại tăng khoảng 25-30% so với đầu năm và tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Hiện các loại dầu ăn thông dụng tăng từ 32.000-34.000 đồng lên mức 42.000-46.000 đồng/chai 1 lít, từ khoảng 150.000 đồng lên mức 230.000 đồng/bình 5 lít. Tương tự, các loại nước mắm, bột ngọt, mì ăn liền... cũng tăng khoảng 25% so với đầu năm. Các loại đường tăng khoảng 1-2 ngàn đồng/kg, hiện ở mức từ 20.000-28.000 đồng/kg; mì ăn liền tăng khoảng 7.000-10.000 đồng/thùng, vào khoảng 82.000-105.000 đồng/thùng tùy loại. Theo bà Ngọc, nguyên nhân giá các loại thực phẩm, dầu ăn, gia vị tăng trong thời gian qua là do thị trường bị khan hiếm nguồn cung, trong khi giá cước vận tải tăng theo giá nhiên liệu khiến cho chi phí về hàng hóa tăng.

Người dân mua các loại rau xanh tại chợ Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).

Không chỉ các loại dầu ăn, gia vị, thực phẩm khô tăng giá mạnh, nhiều loại thực phẩm như: Gạo, thủy hải sản, rau củ quả... cũng đã thiết lập mặt bằng giá mới từ đầu tháng 5 đến nay. Giá nhiều loại gạo đã bắt đầu tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg. Giá các loại thủy hải sản cũng tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại khi giá xăng liên tục ở mức cao. Các loại rau, củ quả cũng liên tục cập nhật giá mới trong những ngày qua. Trong đó, hành lá tăng cao, hiện ở mức 30.000 đồng/kg; hành tây 27.000-28.000 đồng/kg; cà chua 15.000 đồng/kg; dưa leo 20.000 đồng/kg; khoai tây 25.000-30.000 đồng/kg; cà rốt 25.000 đồng/kg; bắp cải 15.000-20.000 đồng/kg; rau thơm các loại 30.000 đồng/kg. Bà Trần Thị Gái, chủ một sạp rau ở chợ Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết, giá rau tăng một phần vì giá xăng dầu tăng, phần khác vì bắt đầu vào mùa mưa, nguồn cung rau bị ảnh hưởng khiến cho giá nhiều loại rau xanh biến động theo.

Hàng loạt mặt hàng tăng giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Hiện nay, mỗi lần đi chợ, người tiêu dùng phải “cân đo đong đếm” cẩn thận để thắt chặt chi tiêu gia đình. Chị Phạm Thị Hồng Phượng, phường Phước Mỹ tỏ ra lo lắng vì sau dịch COVID-19 công việc của chị cũng bị ảnh hưởng. Một số khoản lương, thưởng bị cắt giảm nhưng các chi phí sinh hoạt thì không ngừng tăng cao, do đó, không cách nào khác, tôi buộc lòng phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm chi tiêu - chị Phượng, nói.