Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh ta đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp; nhờ đó tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất CN (IIP) ước tăng 5,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,41%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,3%; riêng ngành khai khoáng giảm 14,91%.
Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam 19. Ảnh: V.M
Một điểm lưu ý trong năm nay, đó là IIP toàn ngành thường tăng dưới 10% (các năm trước thường tăng trên 10%) do ngành CN chủ lực sản xuất và phân phối điện tăng thấp, năng lực sản xuất điện mới giảm mạnh. Một số sản phẩm CN chủ yếu 5 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: Tôm đông lạnh tăng 87%; thạch nha đam tăng 48,9%; bia đóng lon tăng 14,3%, nước yến tăng 56%, điện gió tăng 47,5%, thủy điện tăng 12,8%. Một số sản phẩm giảm, gồm: Các loại đá lót lề đường giảm 52,9%; muối biển giảm 32,2%; hạt điều khô giảm 31,8%; tinh bột sắn giảm 31,8%, dự kiến trong tháng ngừng sản xuất vì hết nguyên liệu; sản xuất đường giảm 17,2%, hiện đã ngừng sản xuất do hết mía nguyên liệu; xi măng giảm 15,8%; điện mặt trời giảm 3,3%.
Mặc dù CN chế biến có chiều hướng phục hồi tích cực khi thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nhưng ngành CN chủ lực hiện nay là sản xuất điện đã có chiều hướng đạt trần công suất và tăng trưởng chậm lại. Nguyên nhân do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhiều doanh nghiệp CN đã giảm công suất hoạt động nên nguồn điện sử dụng giảm, xuất hiện những cơn mưa trái mùa, một số dự án chưa được nối lưới phát điện do chưa có cơ chế giá điện mới,... đã ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng toàn ngành CN 5 tháng đầu năm 2022.
Công nhân Công ty Cổ phần sản xuất chế biến muối Bim ở xã Phước Minh (Thuận Nam) thu hoạch muối. Ảnh: V.Nỷ
Để đảm bảo đạt các mục tiêu tăng trưởng đề ra, ngày 3-6-2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2407/KH-UBND triển khai các giải pháp phấn đấu đạt chỉ tiêu năng lượng và thúc đẩy CN chế biến, chế tạo phát triển. Theo đó, mục đích, yêu cầu mà kế hoạch đặt ra đó là tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả những giải pháp để đạt được chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng CN từ 16-17%, giá trị sản xuất CN (giá so sánh 2010) tăng từ 17-18%. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 đối với lĩnh vực CN đề ra tại Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 10-1-2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Trên cơ sở nhận định, đánh giá những yếu tố thuận lợi và khó khăn, thách thức, khả năng thích ứng của tỉnh, UBND tỉnh xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu đạt chỉ tiêu năng lượng và thúc đẩy CN chế biến, chế tạo phát triển khi dự báo khả năng chỉ tiêu năng lượng sụt giảm nhằm hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, trong đó:
Kịch bản 1: Tăng trưởng theo kế hoạch của Tỉnh ủy giao, CN tăng 16,1%, đóng góp tăng trưởng 3,51% GRDP (tương đương tăng 16-17%). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN (giá so sánh 2010) dự kiến 17,1% (tương đương tăng 17-18%). Theo kịch bản này, dự kiến tổng giá trị gia tăng của ngành CN đạt 5.530 tỷ đồng, cơ cấu nội bộ các nhóm ngành CN được phân bổ: Đối với 20 nhóm ngành hiện có, nếu tiếp tục tháo gỡ được những khó khăn về thị trường tiêu thụ và nguyên liệu đầu vào các sản phẩm hiện có, dự báo tạo ra giá trị gia tăng 1.278 tỷ đồng, tăng 11,2%, đóng góp cho tăng trưởng chung 0,68%. Với nhóm ngành năng lượng, đến cuối năm 2021, có 53 dự án năng lượng đã hòa lưới điện quốc gia/3.181,7 MW, phát điện với tổng sản lượng điện 6.300 triệu kWh. Căn cứ tiến độ đăng ký của các nhà đầu tư và kết quả rà soát thì trong năm 2022 dự kiến có 8 dự án năng lượng được hòa điện lưới quốc gia/443 MW. Riêng 2 dự án thủy điện (Mỹ Sơn, Tân Mỹ) dự kiến sẽ phát điện thuận lợi, đóng góp tăng thêm sản lượng khoảng 30 triệu kWh. Theo đó, giá trị gia tăng lĩnh vực năng lượng dự kiến 4.252 tỷ đồng, tăng 17,7%, đóng góp cho tăng trưởng chung 2,83%.
Kịch bản 2: Dự kiến tăng trưởng 18,1% (tương đương tăng 18-19%, cao hơn kế hoạch 2%), đóng góp tăng trưởng chung 3,96% GRDP (cao hơn kịch bản 1 là 0,45%). Với kịch bàn này, dự kiến tổng giá trị gia tăng đạt 5.625 tỷ đồng, cơ cấu nội bộ các nhóm ngành CN được phân bổ: Gồm 20 nhóm ngành hiện có, dự báo nhóm này tạo ra giá trị gia tăng 1.325 tỷ đồng, tăng 15,3%, đóng góp cho tăng trưởng chung 0,91%. Về nhóm ngành năng lượng, dự kiến sản lượng điện sản xuất năm 2022 khoảng 7.050 triệu kWh/3.624,7 MW, trong đó đã hòa lưới 53 dự án với sản lượng 6.300 triệu kWh/3.181,7 MW, dự kiến hòa lưới trong năm 2022 khoảng 750 triệu kWh/443 MW và 2 dự án thủy điện Mỹ Sơn/20 MW, Tân Mỹ/10 MW phát huy công suất tối đa, tạo ra giá trị gia tăng 4.300 tỷ đồng, tăng 19%, đóng góp cho tăng trưởng chung 3,05%.
Kịch bản 3: Dự kiến tốc độ tăng trưởng đạt 14% (tương đương tăng 14-15%, thấp hơn kế hoạch 2%), đóng góp tăng trưởng chung 3,06% GRDP (thấp hơn kịch bản 1 là 0,45%). Kịch bản này dự báo phát triển trong điều kiện khó khăn hơn do nhóm CN năng lượng còn vướng mắc vì giá điện chưa kịp thời ban hành, thời tiết diễn biến thất thường, ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Dự kiến tổng giá trị gia tăng 5.431 tỷ đồng, trong đó 20 nhóm ngành hiện có dự kiến tạo ra giá trị gia tăng 1.438 tỷ đồng, tăng 24,9%, đóng góp 1,32% GRDP của tỉnh. Nhóm ngành năng lượng dự kiến sản lượng điện năm 2022 khoảng 6.900 triệu kWh (thấp hơn kế hoạch), giá trị gia tăng lĩnh vực năng lượng là 3.993 tỷ đồng, tăng 10,5%, đóng góp cho tăng trưởng chung 1,74%. Như vậy, giá trị GRDP toàn ngành CN đạt 5.431 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng, làm giảm tăng trưởng từ 16,1% xuống còn 14%, đóng góp tăng trưởng chung 3,06%, giảm 0,45% so kịch bản 1 (kịch bản đầu năm).
Căn cứ vào các kịch bản trên, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương chủ động, tăng tốc, quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả, chất lượng các giải pháp được đề ra. Kịp thời nắm bắt thông tin, triển khai và tham mưu phối hợp giải quyết nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án năng lượng, dự án CN tiêu biểu của ngành Công Thương; đẩy nhanh các dự án CN hoàn thành theo tiến độ, thúc đẩy CN chế biến, chế tạo phát triển, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, phấn đấu các sản phẩm chủ lực đạt hoặc vượt sản lượng, để phấn đấu đạt mục tiêu kịch bản 1 (CN tăng 16,1%, đóng góp tăng trưởng 3,51% GRDP) theo kế hoạch đề ra.
Văn Thanh