Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Ninh Phước, từ năm 2019 đến năm nay, toàn huyện xảy ra 8 vụ TNĐN ở trẻ em (TE), làm chết 7 em, riêng trong 5 tháng đầu năm 2022 có 1 em chết do đuối nước. Nguyên nhân chính dẫn đến TNĐN ở trẻ là do các em không biết bơi, không có kỹ năng xử lý khi xảy ra TNĐN. Nhiều trẻ em thiếu không gian vui chơi dẫn đến việc ra ao, hồ, sông, suối để tránh nóng. Mặt khác, môi trường sống quanh trẻ không đảm bảo an toàn như: Ao, hồ, sông, suối quanh nhà không có rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm, ở xã, khu dân cư, ít người qua lại nên khi trẻ rơi vào tình thế nguy hiểm không nhận được sự trợ giúp kịp thời của người lớn. Ngoài ra, sự thiếu quan tâm của phụ huynh trong việc quản lý, giám sát con em mình, nên khi xảy ra TNĐN thường không có sự ứng cứu kịp thời dẫn đến sự cố đáng tiếc xảy ra.
Nhiều trẻ em trên địa bàn huyện Ninh Phước vẫn còn thói quen tắm sông.
Để giảm thiểu tối đa các vụ đuối nước ở TE trên địa bàn, thời gian qua huyện Ninh Phước luôn quan tâm, thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong công tác bảo vệ và chăm sóc TE, nhất là phòng, chống đuối nước TE, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNĐN. Theo đó, hằng năm huyện phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích TE cho các cấp, ngành, địa phương và trường học; tập trung nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn thương tích cho đội ngũ làm công tác TE; chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, rà soát phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra TNĐN để có biện pháp chủ động phòng ngừa, kịp thời cảnh báo như: Làm rào chắn tại ao hồ gần nhà, trường học, sân chơi; cắm biển cảnh báo tại những nơi dễ xảy ra tai nạn; lấp hố nước công trường xây dựng,... Đồng thời, tăng cường phổ biến các biện pháp phòng, chống đuối nước đến các bậc phụ huynh; phối hợp các cấp, ngành hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho TE những kiến thức, kỹ năng về an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích... Nhờ đó, số vụ TE bị đuối nước trên địa bàn huyện giảm theo từng năm từ 5 vụ (năm 2020) xuống còn 1 vụ (2021).
Đồng chí Nguyễn Văn Thường, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ninh Phước cho biết: Hiện nay, đang ở vào thời kỳ cao điểm của mùa nắng nóng và chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè, nên tình trạng tai nạn thương tích, đuối nước TE có nguy cơ gia tăng. Vì vậy, để phấn đấu giảm tỷ lệ TNĐN đến mức thấp nhất, trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận, đoàn thể quan tâm bảo vệ và chăm sóc TE, nhất là phòng, chống đuối nước TE, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước TE; tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát TE, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè; các xã, thị trấn thường xuyên rà soát các khu vực thường xảy ra TNĐN hoặc có nguy cơ xảy ra để có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời bảo đảm an toàn cho TE trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão; huy động nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, xây dựng hồ bơi tại các xã, thị trấn; tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa đuối nước cho TE.
Tiến Mạnh