Thành tựu 30 năm ngành Xây dựng và phát triển kinh tế đô thị

Thời điểm tái lập tỉnh năm 1992, Ninh Thuận là một tỉnh còn nhiều khó khăn, điều kiện phát triển rất hạn chế, hạ tầng lạc hậu. Nhưng với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của toàn Đảng bộ tỉnh, trong đó có sự phấn đấu của ngành Xây dựng, vùng đất nắng và gió đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”, với những khu đô thị hiện đại, những vùng quê đáng sống.

Sau 30 năm đổi mới và phát triển, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 1 đô thị loại II và 3 đô thị loại V; tổng diện tích toàn đô thị khoảng 12,9 ngàn ha, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh tính hiện đạt khoảng 36,01%. Để đảm bảo mục tiêu, lộ trình phát triển đô thị của tỉnh, theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, các địa phương như Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn), thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), xã Phước Đại (Bác Ái) và xã Lợi Hải (Thuận Bắc) đang tiếp tục huy động nguồn lực để phát triển đô thị theo Chương trình được phê duyệt.

Tp. Phan Rang - Tháp Chàm ngày càng khang trang. Ảnh: T.Duy

Về công tác quy hoạch, đã hoàn thành quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch 6 vùng huyện, quy hoạch chung Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, quy hoạch chung các đô thị và các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nhằm triển khai quy hoạch chung được duyệt, kịp thời đáp ứng cho yêu cầu quản lý không gian kiến trúc cảnh quan và kêu gọi đầu tư xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở các đồ án Quy hoạch được duyệt, tỉnh đã kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án, đảm bảo việc hình thành khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kết nối với các khu vực hiện hữu, góp phần giải quyết nhu cầu đất ở cho người dân cũng như đầu tư hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn lực kinh tế ngoài ngân sách. Đến nay, tỉnh đã kêu gọi đầu tư 7 dự án khu đô thị, khu dân cư diện tích 161,6 ha với tổng mức đầu tư 2.250,8 tỷ đồng. Công tác đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, công nghiệp đã đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra giải quyết dứt điểm trình trạng thiếu nước sinh hoạt đô thị, chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng cho sự phát triển các khu, cụm công nghiệp, từng bước xử lý và tiến tới chấm dứt trình trạng mất vệ sinh môi trường trong các đô thị thông qua công tác đầu tư hạ tầng thoát nước, thu gom xử lý rác thải và đầu tư xây dựng các nghĩa trang.

Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ tạo điều kiện phát triển năng lực sản xuất mới, các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ về chất lẫn lượng đủ năng lực để đảm đương các công trình có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, góp phần nâng cao sản phẩm trong hoạt động xây dựng của tỉnh nhà, tạo nhiều việc làm lao động tại địa phương góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế của tỉnh. Kết tinh của thành quả lao động, những công trình ấn tượng như quần thể Quảng trường- Tượng đài và Bảo tàng tỉnh, Công viên biển Bình Sơn là những công trình văn hóa, kiến trúc nhằm phục vụ và giáo dục truyền thống tốt đẹp của địa phương, nơi tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân. Cầu An Đông là “điểm nhấn” kết nối các đô thị; các trục đường 16 Tháng 4, đường Yên Ninh trở thành những trục đường huyết mạch của Tp. Phan Rang – Tháp Chàm; bệnh viện, trường học đạt chuẩn quốc gia vừa là công trình phục vụ dân sinh vừa là kiến trúc cảnh quan đô thị; những tổ hợp điện gió-điện mặt trời là đặc thù kinh tế ít nơi có được và những tổ hợp kiến trúc đặc biệt đang dần được hình thành như: SunBay Park, Ecopark, Bình Tiên, Sailing Bay… góp phần tôn tạo vẻ đẹp hấp dẫn của dải ven biển Ninh Thuận.

Hạ tầng Khu đô thị mới Đông Bắc (khu K1) được đầu tư hoàn thiện góp phần làm diện mạo Tp. Phan Rang - Tháp Chàm thêm khang trang. Ảnh: B.D

Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc phát huy hơn nữa vai trò của khu vực đô thị và kinh tế đô thị đối với tỉnh Ninh Thuận là hết sức cần thiết để tận dụng tối đa giá trị lợi thế và tiềm năng cũng như tạo cơ hội chuyển dịch chất lượng cuộc sống cho người dân và gia tăng năng lực đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế của tỉnh.

Ông Lê Phạm Quốc Vinh, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và chủ trương quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị, ngành Xây dựng tỉnh tập trung một số giải pháp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế đô thị trên địa bàn tỉnh theo hướng đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị, kết cấu hạ tầng của đô thị; phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển kinh tế đô thị theo hướng hiện đại, rút ngắn khoảng cách với các đô thị lớn trong vùng và cả nước; bảo đảm môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường giải pháp khai thác nguồn thu từ quỹ đất thông qua việc kêu gọi đầu tư các dự án phát triển khu dân cư, khu đô thị.

Với nỗ lực của toàn ngành Xây dựng trong 30 năm qua đã góp phần thay đổi diện mạo Ninh Thuận trở thành điểm sáng kinh tế của cả nước, là một trong những tâm điểm thu hút các nhà đầu tư. Với những quyết sách đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong hoạch định và thực thi chiến lược phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương, trong thời gian tới, Ninh Thuận kỳ vọng sẽ có sự bứt phá đi lên.