Nhìn lại chặng đường phát triển của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, dấu ấn đáng kể sau ngày giải phóng Ninh Thuận (16-4-1975), giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4-1975 là đã tập trung nghiên cứu, sản xuất các giống bông có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất ở các nông trường quốc doanh. Sau khi tỉnh Ninh Thuận tái lập (năm 1992), trước yêu cầu phát triển sản phẩm nho đặc thù ở vùng khô hạn theo định hướng của tỉnh, Viện đã chọn tạo giống nho và chuyển giao các giống nho mới năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, thích hợp với điều kiện sinh thái, khí hậu của Ninh Thuận. Với mục tiêu tìm ra giống nho mới nhằm thay thế một phần giống nho Red Cadinal và làm phong phú cơ cấu cây trồng của tỉnh, Viện đã thành lập Vườn tập đoàn giống nho lưu giữ 21 mẫu giống nho (6 mẫu giống nho ăn tươi, 11 mẫu giống nho rượu, 3 mẫu nho làm gốc ghép và 1 mẫu nho không hạt).
Cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố nghiên cứu giống cây trồng có chất lượng. Ảnh: Phan Bình
Trải qua quá trình phát triển, nhất giai đoạn 2017-2022, Viện được các bộ, ngành, địa phương đặt hàng và tham gia tuyển chọn nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên các đối tượng cây trồng như: Bông vải, lúa, bắp, cây ăn quả, cây rau, cây dược liệu. Cụ thể, Viện đã tham gia tuyển chọn và được các bộ, địa phương đặt hàng thực hiện 26 nhiệm vụ khoa học và công nghệ; trong đó, có 2 nhiệm vụ cấp nhà nước, 13 nhiệm vụ cấp bộ và 11 nhiệm vụ cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, Viện đã chọn tạo được 26 sản phẩm giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt và xây dựng gói kỹ thuật cho các giống mới để chuyển giao cho sản xuất ở khu vực Nam Trung Bộ. Đơn cử, Viện đã tuyển chọn, xác định được các giống cây trồng triển vọng, như: Nho ăn tươi NH01-152, NH16-01, 4 giống nho chế biến rượu NH02-37, NH02-66, NH02-97 và NH02-137.
Góp phần vào thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Viện đã đi sâu vào nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất nho ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung vào yếu tố trồng trong nhà màng có mái che mưa, sử dụng lưới cắt nắng, lưới chắn côn trùng chuyên dụng, giàn chữ Y, các hệ thống điều khiển tự động về tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng cạn theo chủ trương của tỉnh, Viện đã tuyển chọn được các giống cây ăn quả phù hợp cho vùng khô hạn. Kết quả bước đầu đã xác định được giống táo TN1 và TN05 phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Ninh Thuận, chuyển giao cho nông dân sản xuất có hiệu quả. Tiếp tục thực hiện chương trình, Viện đang triển khai đánh giá và tuyển chọn giống măng tây xanh Articus F1 và Atlas F1 có triển vọng; đồng thời, xây dựng và hoàn thiện quy trình thâm canh, trong đó xác định biện pháp kỹ thuật tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân chuyên dụng. Gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu, hoạt động nghiên cứu của Viện đã được mở rộng thêm ở một số lĩnh vực mới, đóng góp quan trọng giúp ngành Nông nghiệp khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Viện chủ động đề xuất với các bộ, ngành triển khai chương trình nghiên cứu nhóm cây làm thức ăn chăn nuôi gia súc với các giống cỏ, ngô sinh khối, giống cao lương và công nghệ chế biến, bảo quản để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, góp phần vào phát triển chăn nuôi bền vững trong điều kiện nắng hạn.
Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, Viện tiếp tục thu nhập, bảo tồn quỹ gen cây trồng có thế mạnh ở Ninh Thuận; đẩy mạnh công tác nghiên cứu về giống và gói kỹ thuật cho các loại cây trồng chịu hạn phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nhằm giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu. Tập trung vào các chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình về sản phẩm đặc thù của tỉnh để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao.
Anh Tùng