* Ông Tô Mạnh Tường, Nguyên Hiệu trưởng Trường TH Thành Hải 2 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm): Làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học
Năm 1992, khi tỉnh nhà tái lập, tôi đang là Hiệu trưởng Trường TH Thành Hải 1 (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Thời điểm ấy, trường có 13 phòng học rải rác ở 3 cơ sở cách nhau khá xa; trong đó, có những phòng xây trước năm 1975, một số phòng học do Hợp tác xã nông nghiệp xây dựng; có trường thiếu phòng nên học sinh (HS) phải học nhờ tại nhà kho của hợp tác xã. Bàn ghế, thiết bị dạy học thiếu thốn, không đồng bộ. Số giáo viên đứng lớp còn thiếu, tỷ lệ chưa đạt chuẩn còn cao. Đời sống người dân còn khó khăn nên chưa quan tâm đến việc học của con em. Mối quan hệ giữa nhà trường-gia đình-xã hội còn lỏng lẻo; công tác xã hội hóa giáo dục chưa phát triển. Chất lượng giáo dục vì vậy chưa cao, tỷ lệ HS bỏ học còn nhiều, trung bình mỗi năm trên 10%.
Qua 30 năm tái lập tỉnh, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo của các cấp, các ngành, sự đồng thuận và nỗ lực của Nhân dân, sự nghiệp giáo dục của tỉnh nói chung, xã Thành Hải nói riêng có nhiều khởi sắc. Kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng lên nên phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến việc học của con em. Công tác xã hội hóa giáo dục có nhiều khởi sắc, thu hút mạnh thường quân, đoàn thể chung tay chăm lo HS nghèo, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học. Nhiều năm qua, nhà trường không có HS bỏ học.
Để kinh tế-xã hội tỉnh nhà nói chung, sự nghiệp giáo dục nói riêng ngày càng phát triển, tôi mong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học; đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học theo hướng đạt chuẩn quốc gia, nhất là ở các xã miền núi, vùng sâu vùng xa, từ đó đảm bảo công bằng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của HS giữa các vùng miền trong tỉnh.
Bà Trần Thị Chích, cán bộ hưu trí ở huyện Ninh Sơn: Tin tưởng tỉnh nhà sẽ phát triển đi lên đứng trong tốp đầu cả nước
Tôi về tỉnh Ninh Thuận công tác và sinh sống từ năm 1976. Trải qua nhiều năm làm việc rồi nghỉ hưu cho đến nay, tôi cảm nhận rõ sự thay đổi và phát triển toàn diện của tỉnh nhà; đặc biệt là sau 30 năm tái lập tỉnh. Có thể thấy, hiện nay tỉnh ta đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước về tiềm năng và có sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Về công nghiệp nhiều dự án điện gió, điện mặt trời…quy mô lớn hình thành đã giúp cho tỉnh thay đổi rất nhiều; nông nghiệp thì có nhiều cây trồng khẳng định thương hiệu như nho, táo, măng tây xanh…góp phần giúp cho đời sống của nông dân tỉnh nhà trở nên khá giả. Các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, người có công, cán bộ hưu trí rất kịp thời, hiệu quả và luôn đảm bảo. Kết quả đó chính là sự đoàn kết và nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị từ các cấp ủy đảng, chính quyền cho đến toàn thể Nhân dân trong tỉnh qua nhiều năm.
Một trong những điều tôi cảm thấy vui mừng nhất là tâm huyết các thế hệ lãnh đạo tỉnh nhà qua từng thời kỳ, thế hệ sau đã có những tiếp thu, kế thừa thành quả của thế hệ trước, biết phát huy được ưu thế về bản lĩnh chính trị, tầm nhìn sáng tạo của người lãnh đạo trẻ qua việc đề ra nhiều chủ trương, chính sách và sự đổi mới trong cách nghỉ, cách làm đưa Ninh Thuận trở thành phát triển như hôm nay. Với nhiệt huyết đó cùng sự đồng lòng, chung tay của các tầng lớp Nhân dân tôi tin trong vài năm nữa tỉnh ta sẽ trở thành địa phương phát triển đứng trong tóp đầu của cả nước.
L.Anh, N.Sơn