Thói quen ăn mặn: Ăn mặn là một thói quen khó bỏ của rất nhiều người Việt Nam. Ngay khi chế biến các món ăn nhiều người đã nêm nhiều mắm, muối; sử dụng nhiều các món kho, xào, nướng, dùng nhiều nước chấm; thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, thịt muối... Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày (tương đương với 1 thìa cà phê). Tuy nhiên đa số người dân đều tiêu thụ muối gấp đôi so với khuyến cáo, tức là khoảng 10g ngày. Thói quen này thực sự gây hại đối với sức khỏe. Vì ăn mặn là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác.
Sử dụng nhiều đường, chất béo: Nhiều người ưa chuộng các loại đồ ăn, thức uống chứa nhiều đường và chất béo như bánh, mứt, kẹo, nước ngọt...; ăn nhiều mỡ, da gà, vịt; các món chiên, rán, nướng mà không biết chúng thực sự không tốt cho huyết áp, gây thừa cân, béo phì, tăng cholesterol trong máu, gây vữa xơ động mạch.
Uống rượu, bia: Nếu chỉ uống một lượng vừa phải thì không nguy hại. Tuy nhiên, nếu uống nhiều hoặc thường xuyên thì rất có hại cho sức khỏe. Mặc dù rượu, bia không phải là nguyên nhân gây tăng huyết áp nhưng lại là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây khởi phát cơn tăng huyết áp cũng như các biến chứng do tăng huyết áp như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim...
B.H (Theo Báo SK&ĐS)