Còn có tên là bạch phục linh, phục thần
Mô tả nấm
Nấm này mọc ký sinh trên rễ cây thông. Nếu nấm mọc xung quang rễ khi đào lên có rễ thông ở giữa nấm thị gọi là phục thần. Người ta cho loại này có tác dụng yên thần phách, chữa sợ hãi, mất ngủ. Nấm hình khối to, có thể nặng tới 5kg, mặt ngoài màu xám đen, nhăn nheo có khi thành bướu. Cắt ngang sẽ thấy mặt lổn nhổn hoặc trắng (bạch phục linh) hoặc hồng xám (xích phục linh).
Bột phục linh có màu trắng xám, chủ yếu gồm các khuẩn ty, bào tử, cuống đảm tử.
Công dùng và liều dùng
Phục linh có vị ngọt, nhạt, tính bình, vào 5 kinh tâm, phế, thận, tỳ và vị. Có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, bổ tỳ, định tâm, dùng chữa tiểu tiện khó khăn, thủy thũng trướng man, tiết tả, phục thần định tâm, an thần chữa hồi hộp mất ngủ.
Trong nhân dân, phục linh được coi là vị thuốc bổ, thuốc lợi tiểu, dùng trong bệnh thủy thũng.
Còn dùng làm thuốc trấn tĩnh, chữa các trường hợp mất ngủ, hay sợ hãi, di tinh.
Ngày dùng 5 đến 10g dưới dạng thuốc sắc , thuốc bột, viên.
Đơn thuốc có phục linh
Chữa thủy thũng: Phục linh 10g, mộc thông 5g, tang bạch bì 10g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Thuốc chữa phù thũng, sợ hãi: Phục linh 8g, cam thảo 3g, quế chi 4g, sinh khương 3g, nước 400ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Chữa vết đen trên mặt: Tán bột phục linh mà bôi.
Đức Doãn (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)