Người tự phụ luôn nhìn nhận và đề cao bản thân một cách thái quá, họ luôn đánh giá bản thân mình giỏi hơn người khác. Họ nghĩ rằng mình là người hoàn hảo nhất, vì vậy không bao giờ có thái độ cầu thị hay lắng nghe ý kiến của người khác. Chính vì không chịu lắng nghe, học hỏi và tiếp thu nên họ dễ bị lạc hậu. Không nhận thức đúng đắn về bản thân nên người tự phụ khó có thể đi đến thành công cũng như không thể nhận được sự ủng hộ của mọi người. Chúng ta phải hiểu được rằng trong thế giới rộng lớn này thì năng lực và tài năng của mình quá nhỏ bé. Mỗi người chúng ta phải xác định được vị trí, năng lực thực sự của mình, để sống một cách khiêm tốn, nghiêm túc học hỏi. Một khi chúng ta quá đề cao bản thân, những người xung quanh sẽ cảm thấy chúng ta thiếu sự tôn trọng đối với họ. Muốn được người khác ghi nhận năng lực của mình, trước hết chúng ta phải biết tôn trọng họ, nếu không chúng ta sẽ làm những người xung quanh cảm thấy khó chịu và bị tổn thương. Muốn tồn tại, đứng vững trong xã hội, chúng ta đừng bao giờ tách mình ra khỏi cộng đồng. Và cũng không nên đố kỵ với tài năng của người khác, điều đó sẽ làm cho bạn khó đạt được hiệu quả cao trong công việc.
Người tự phụ luôn tự cho mình là đúng vì vậy họ thường hay bảo thủ, cứ cho suy nghĩ của mình, việc mình làm là đúng nên tỏ ra sẽ xem thường ý kiến của người khác. Điều này thường ảnh hưởng rất lớn đến bản thân, nảy sinh tâm lý chủ quan nên họ dễ bị thất bại. Thất bại chính là kết quả của suy nghĩ tự phụ, hành động tự cao không chịu cố gắng trau dồi, rèn luyện. Tự phụ ngăn cản bản thân phát triển, vô hình chung tạo nên bức tường ngăn cách mình với mọi người xung quanh, ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân. Đối với người tự phụ chỉ cần một lần thất bại cũng khiến cho họ khó chịu, không làm chủ được hành động của mình.Tự phụ có là do cái tôi tồn tại trong mỗi người quá lớn, hơn nữa do nhìn nhận không đúng nên dẫn đến sự ngộ nhận năng lực của bản thân. Tự tin đưa chúng ta tới thành công, ngược lại thì tự phụ lại dẫn ta tới thất bại. Tự phụ tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến nhân cách, làm giảm đi động lực, ý chí phấn đấu của mỗi người. Chính vì vậy, chúng ta sống phải khiêm tốn học hỏi, sống hòa đồng với mọi người, không tự cao tự đại, biết lắng nghe và chia sẻ. Chỉ khi lắng nghe ý kiến của người khác, chúng ta mới thấy được điểm mạnh cần phát huy, điểm yếu của mình để khắc phục, có như vậy chúng ta mới thành công.
Hãy xem mỗi ngày là một sự khởi đầu để chúng ta học tập, tiếp thu và phát triển. Trong thế giới biến đổi không ngừng này, nếu không muốn bị đào thải, chúng ta đừng nên tự phụ mà hãy sống thật khiêm nhường.
Minh Uyên