Năm 2006, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc đã phối hợp với chính quyền địa phương và Công ty CP Mía đường Phan Rang, vận động 20 hộ đồng bào dân tộc Ra glai ở thôn Ma Trai, xã Phước Chiến trồng thử nghiệm 10 ha mía đường trên vùng đồi không chủ động nước. Để bà con tiếp cận với mô hình sản xuất mới, bên cạnh việc đầu tư giống, vật tư, huyện còn tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ chi phí làm đất và phụ trợ tiền ăn với mức 500.000 đồng/sào cho các hộ tham gia dự án. Cán bộ kỹ thuật luân phiên bám ruộng dài ngày, để hướng dẫn bà con từng khâu trong suốt quá trình phát triển của cây mía.
Anh Nguyễn Châu Cảnh, Phó phòng NN-PTNT huyện cho biết: “ Lúc đầu triển khai thí điểm dự án gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn từ khâu vận động bà con tham gia dự án, đến “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn người dân từng khâu trong sản xuất. Hầu hết các diện tích đất rẫy của bà con đều nằm gần các vùng chăn thả gia súc, nên một số diện tích mía trong giai đoạn vươn chồi, đã bị trâu bò ăn hết, phải trồng lại. Cán bộ kỹ thuật lại đến vận động từng hộ dân tham gia các tổ sản xuất liên canh, để thay phiên nhau bảo vệ ruộng mía. Nhờ đó, hầu hết diện tích mía trồng thử nghiệm ở thôn Ma Tra đều phát triển tốt.” Những nỗ lực trên của những người tham gia thực hiện dự án đã thu được kết quả thỏa đáng.
Vụ mía năm 2006-2007, mỗi ha mía trồng trên vùng đất gò, đồi ở thôn Ma Trai đã cho thu hoạch bình quân 50 tấn mía cây, với chất lượng đạt chuẩn 10 chữ đường. Với giá do Công ty CP Mía đường Phan Rang nhận bao tiêu 450đ/kg, thì sau khi trừ hết các khoản chi phí, người trồng mía đã có lãi trên 15 triệu đồng/ha, cao hơn từ 6 đến 8 lần so cây bắp, cây đậu mà bà con vẫn trồng lâu nay trên cùng một chân đất. Phát huy kết quả đạt được, vụ mía năm 2007-2008, huyện Thuận Bắc cho nhân rộng diện tích mía đến các vùng còn lại trong xã Phước Chiến. Đồng thời tiến hành khai hoang, cấp đất sản xuất và đầu tư hỗ trợ cho các hộ khó khăn là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Phước Kháng và Lợi Hải để phát triển trồng mía. Đến nay, diện tích mía đường trên vùng đất gò đồi ở huyện đã lên đến 134ha, trong đó xã Phước Chiến có 60 ha, xã Phước Kháng có 14 ha và xã Lợi Hải có 60 ha.
Nhờ phát triển trồng cây mía nguyên liệu nên tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho gần 400 hộ đồng bào dân tộc Ra glai ở địa phương với mức từ 15 đến 20 triệu đồng/ hộ/năm. Nhiều hộ ở thôn Ma Trai, xã Phước Chiến có diện tích trồng mía từ 2ha trở lên, như : Đá Mài Bốc, Mấu Văn Tấn, Mấu Văn Á….mỗi năm đều cho thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với bà con đồng bào dân tộc miền núi khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các hộ trồng mía ở địa phương đều phấn khởi cho biết, trồng mía đường đầu tư cây giống chỉ một lần nhưng thu hoạch được nhiều mùa, công chăm sóc lại không nhiều nhưng lại cho lợi nhuận cao gấp 7- 8 lần so với trồng cây đậu, cây bắp trên cùng một diện tích.
Mặt khác, ngọn và lá mía đường sau khi thu hoạch, chính là nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho chăn nuôi vỗ béo bò thịt. Đồng chí Nguyễn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chiến cho biết: “ Đến nay, toàn xã đã có đến 60 ha. 100% hộ trồng mía của địa phương đều đã thoát được nghèo, trong đó có trên 80% vươn lên thành hộ khá. Cây mía đường đã thực sự được chọn là loại cây giảm nghèo của địa phương. Trong năm tới, Phước Chiến sẽ tiếp tục vận động bà con chuyển đổi 20 ha đất rẫy đang trồng mì, bắp cho thu nhập thấp, sang trồng mía đường để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.”
Thành công từ mô hình trồng cây mía đường trên vùng đất gò, đồi đã mở ra một hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Thuận Bắc. Việc làm này không chỉ thay đổi tập quán canh tác cũ sang áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đây là định hướng đúng đắn của các cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Bắc trong thực hiện giải pháp phát triển kinh tế-xã hội ở các xã miền núi theo hướng bền vững.
Quốc Tuy