Còn nhớ cách nay hơn 10 năm, trước khi tái lập huyện, vùng đất này vẫn còn hoang vắng, dọc hai bên con đường đất sỏi bụi mù chỉ có cây rừng rậm rạp. Thế nhưng ngày nay nó là con đường huyết mạch cho Bác Ái phát triển kinh tế-xã hội, rút ngắn dần khoảng cách lạc hậu với vùng đồng bằng.
Hồ thủy lợi Sông Sắt. Ảnh: DL
Mới đây có dịp lên Phước Bình, một xã vùng cao xa xôi cách trở nhất huyện Bác Ái, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những công trình cầu, đường đồ sộ đang thi công phục vụ cho công trình thủy lợi hồ Tân Mỹ. Những cầu đường này khi hoàn thành sẽ giúp khắc phục tình trạng tắc đường ở Phước Hòa mùa mưa lũ, có nghĩa là tuyến giao thông Ninh Bình-Phước Bình dài trên 40 km sẽ thông suốt. Cùng với nó, dự kiến sắp đến Bác Ái sẽ mở tuyến đường Phước Hòa-Phước Tân, kéo Phước Bình và Phước Hòa về qua ngả Phước Tiến gần với trung tâm huyện hơn. Tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng không kém tuyến đường mới Phước Trung-Phước Đại, hoàn thành từ năm 2009, con đường này đã rút ngắn được 40 km qua ngã Phước Chính nối liền Phước Trung với trung tâm huyện. Đồng chí Pi-năng Thị Thủy, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: “Có thể nói giao thông đang đóng vai trò quan trọng trong sự bứt phá vươn lên của huyện miền núi Bác Ái. Ngoài các dự án giao thông lớn, trong giai đoạn 2005-2010, từ các nguồn vốn của trung ương, Bác Ái đã đầu tư 37 công trình giao thông liên thôn, liên xã với tổng chiều dài hơn 28.785 m, bao gồm các hạng mục láng nhựa, cấp phối sỏi đỏ, tràn, cống thoát nước trên đường”.
Mở rộng mạng lưới giao thông lên miền núi. Ảnh: T.L
Không chỉ “khai sơn, phá thạch” mở đường, từ các nguồn vốn đầu tư của trung ương và tỉnh, Bác Ái đã xây dựng 40 công trình thủy lợi (đập dâng, ao chứa nước), hệ thống kênh mương dài gần 81 km phục vụ sản xuất, đặc biệt công trình hồ chứa nước Sông Sắt với dung tích 69 triệu m3 phát huy hiệu quả, qua hệ thống kênh cấp 2, 3 đảm bảo nước tưới cho trên 1.500 ha đất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Ngoài ra còn có 3 hồ chứa nước lớn Phước Trung, Trà Co, Tân Mỹ với tổng dung tích gần 250 triệu m3 đang khẩn trương thi công. Về nước sinh hoạt, có tổng cộng 32 công trình nước tự chảy với tuyến ống nước dài 29.596 m được xây dựng. Từ những ngôi nhà tạm, nhà sàn lụp xụp trước năm 2001, ngày nay Bác Ái có gần 100% hộ có nhà xây khang trang, rộng rãi, 80% hộ có ti-vi và toàn huyện có hơn 4.000 xe máy các loại. Hệ thống điện, đường, trường, trạm cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo Quyết định 167/2008/TTg-CP đã xây dựng 900 căn nhà cho hộ nghèo. Tại xã Phước Thắng, chúng tôi đã gặp và ghi nhận được niềm vui có nhà ở của một số người dân. Ông Pi-lao Bốn ở thôn Chà Đung tâm sự: “Đã có nhà 167, năm nay lại được hỗ trợ xây nhà vệ sinh nữa, gia đình mình mừng lắm”. Tại thôn Ma Oai, bà Ka-tơ Thị Thi cũng phấn khởi: “Từ khi Nhà nước đưa về khu tái định cư, xây nhà cho ở, dạy cách làm ăn, đời sống bà con Ra glai chúng tôi không còn khó khăn như trước nữa”.
Hệ thống cấp nước sinh hoạt đến với các địa phương huyện Bác Ái. Ảnh: Duy Anh
Từ các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ triển khai 2 năm qua (2009, 2010), đời sống người dân Bác Ái đã có nhiều khởi sắc. Bên cạnh hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, nông dân còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước. Trên diện tích đất gò đồi kém màu mỡ ở Phước Thắng, qua khai hoang phục hóa, đã có hơn 495 ha đất canh tác được bà con trồng lúa nước, bắp, đậu xanh đạt hiệu quả kinh tế. Cán bộ khuyến nông cùng ra đồng, hướng dẫn bà con canh tác lúa nước theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Qua thời gian ngắn, nông dân đã có thể tự tay canh tác hiệu quả, đưa năng suất lúa đạt bình quân 4 tấn/ha/vụ. Mùa vụ năm trước, anh Pi-năng Uân, ở thôn Ha Lá Hạ (Phước Thắng) trồng 3 sào lúa, năng suất đạt khoảng 6 tạ/sào. Anh cho biết: “Nhờ được hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân nên trên 3 sào lúa nước vụ trước tôi thu hoạch được 38 bao. Có lúa trồng, không lo đói kém hay phải ăn bắp nữa”. Ông Papur Tính ở thôn Ma Dú, xã Phước Thành được hỗ trợ cải tạo 2,3 ha ruộng bậc thang. Từ chỗ kinh tế khó khăn do canh tác lúa rẫy mỗi năm 1 vụ nước trời, nay nhờ học trồng lúa nước, đời sống gia đình ông ổn định, vươn lên trở thành hộ khá giả.
Từ những con đường mới mở, Bác Ái tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu, xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt mới của huyện được thể hiện rõ nhất tại Phước Đại, trung tâm huyện Bác Ái. Khu vực quy hoạch trung tâm hành chính huyện từng bước được đầu tư xây dựng các công trình giao thông đô thị, điện, nước. Đặc biệt với hệ thống điện chiếu sáng đã làm khu trung tâm hành chính huyện rực rỡ về đêm như một đô thị phát triển. Đi vào khu vực trung tâm hành chính huyện, nhìn những trụ sở khang trang, đại lộ rộng thênh thang và những con đường ngang dọc tráng nhựa mới mở, chúng tôi cảm nhận được triển vọng của một Bác Ái tương lai đầy hứa hẹn.
Bạch Thương-Diễm My