NINH HẢI

Phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng và thế mạnh

Trên cơ sở tổng giá trị sản xuất năm 2010 đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,65 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm tăng 10,5%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng (tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường),…

Trên cơ sở tổng giá trị sản xuất năm 2010 đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,65 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm tăng 10,5%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng (tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường),… định hướng phát triển kinh tế của huyện Ninh Hải trong 5 năm tiếp theo (2011 – 2015), tầm nhìn đến 2020 là tiếp tục tập trung khai thác thế mạnh dựa trên những tiềm năng sẵn có của địa phương.

Trung tâm thị trấn Khánh Hải. Ảnh: TL

Đặc điểm địa hình, đất đai Ninh Hải phân chia thành các tiểu vùng khác nhau, vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng và bờ biển nhiều vũng vịnh uốn khúc dài 56,5 km. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển nền kinh tế đa dạng: sản xuất nông – lâm nghiệp, nuôi trồng – khai thác thủy hải sản, làm muối, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đặc biệt là kinh doanh du lịch.

Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch

Vườn Quốc gia Núi Chúa với hơn 24.300 ha, mà phần lớn là núi rừng nguyên sinh với hệ động, thực vật quý hiếm gồm 664 loài thực vật, 201 loài động vật, tuyến đường 702 quanh co uốn khúc, vài đoạn đèo nho nhỏ như thách thức, hấp dẫn,… thỉnh thoảng lại bị cắt ngang bởi một vài con suối nhỏ xinh, không chỉ rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái kết hợp nghĩ dưỡng, mà còn là một lợi thế tổ chức du lịch nghiên cứu. Vịnh Vĩnh Hy (Vĩnh Hải) có 307 loài san hô tạo rạn đẹp và phong phú nhất Việt Nam, cộng thêm hệ thống hang động, núi đá, bãi tắm,… còn khá hoang sơ, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, Hồ Treo trên núi Đá Vách, các suối Lồ Ồ, Đông Nha, Kiền Kiền,…với những thác nước cao, mát mẻ, phong cảnh hữu tình cũng là những điểm có thể khai thác du lịch và phát triển hệ thống dịch vụ đi kèm.

Tiệc đêm tại khách sạn Ninh Chử. Ảnh: CTV

Thực hiện chương trình quảng bá xúc tiến du lịch chung của tỉnh, huyện Ninh Hải đã tổ chức kêu gọi, thu hút nhiều nhà đầu tư khảo sát, đăng kí và tham gia thực hiện các dự án như: dự án khu du lịch núi Chúa, du lịch cao cấp Nam Núi Chúa, du lịch sinh thái Bãi Thùng, một số dự án đăng kí đầu tư khác như du lịch trưng bày, sinh thái, nghỉ dưỡng Hồ Ly Vọng; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh quy hoạch khu du lịch chuyên đề Ninh Chử - Vĩnh Hy.

Xây dựng Ninh Hải thành trung tâm du lịch chất lượng cao, với các loại hình: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu khoa học,… là mục tiêu trọng tâm của địa phương. Tập trung mũi nhọn vào kinh tế du lịch – ngành công nghiệp “không khói” – không chỉ là khai thác các thế mạnh về địa hình, đất đai,… mà còn phù hợp với xu hướng “xanh” của thế giới, chống lại biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Lợi thế nuôi trồng – khai thác thủy, hải sản

Bên cạnh bờ biển dài, vùng ven biển Ninh Hải còn có Đầm Nại, Vĩnh Hy là địa bàn có nhiều thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa, chủ yếu lá nuôi tôm sú thương phẩm, tôm thẻ, rong sụn, ốc hương, tôm hùm lồng, ghẹ, sản xuất tôm giống,…

Theo định hướng phát triển của huyện, đến năm 2015, giá trị sản xuất, nuôi trồng thủy sản phấn đấu đạt 462,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66,1% trong ngư nghiệp. Bên cạnh đó, việc ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản 500 ha thuộc khu vực Đầm Nại sẽ được kết hợp với du lịch sinh thái. Ngoài ra, huyện sẽ sớm quy hoạch xây dựng khu sản xuất giống thủy sản có chất lượng cao tại Nhơn Hải và quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy sản xa bờ. Áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng giống, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh

Đối với hoạt động khai thác, các tàu thuyền công suất lớn, đánh bắt xa bờ, đa ngành nghề được khuyến khích, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đánh bắt nhằm khai thác thủy sản có giá trị xuất khẩu cao. Song song đó, các biện pháp bảo vệ môi trường vùng ven biển và nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ biên giới biển phải luôn được đảm bảo thực hiện tốt.

Thế mạnh phát triển diêm nghiệp theo hướng ứng dụng KH–CN vào sản xuất

Với đặc điểm vùng đất mặn tương đối dày và cứng, lại nằm trên địa hình bằng phẳng, Ninh Hải từ lâu đã trở thành vùng muối trọng điểm không chỉ riêng của tỉnh ta mà còn của cả nước.

Với diện tích 450,5 ha (trong đó Khánh Hải 36 ha; Tri Hải 210 ha, Phương Hải 64,5 ha, Nhơn Hải 140 ha), năm 2010, sản lượng muối lên đến 88.800 tấn, đạt 126,85% KH năm.

Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế từ muối, hiện Sở NN-PTNT và Phòng NN-PTNT huyện đang xây dựng Dự án quy hoạch Khu muối công nghiệp diêm dân Bắc Tri Hải – Nhơn Hải với diện tích khoảng từ 600 – 800 ha. Việc xây dựng hệ thống thủy lợi để tạo điều kiện dẫn thoát nước cho các diêm hộ và hình thành các tổ hợp tác chuyển đổi công nghệ từ canh tác muối nền bùn sang hình thức muối trải bạt, cũng được triển khai cùng lúc. Định hướng lâu dài là khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến muối tinh và các sản phẩm sau muối.

Diêm dân thu hoạch muối.

Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: Việc áp dụng KH – KT vào sản xuất muối có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với diêm nghiệp của huyện cũng như toàn tỉnh. “Điển hình như việc chuyển đổi công nghệ sản xuất muối từ nền bùn sang nền bạt, không chỉ làm tăng năng suất từ 40 – 50% mà còn tăng chất lượng muối, giá thu mua vì thế cũng cao hơn, mà công lao động lại giảm hẳn. Chúng tôi dự định sẽ xây dựng quỹ tín dụng nhân dân để hỗ trợ vốn cho bà con đầu tư sản xuất theo mô hình mới này”, ông Nhân nói thêm.

Bên cạnh việc tập trung khai thác thế mạnh để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Hải cũng quy hoạch chi tiết các vùng kinh tế khác theo hướng phát huy lợi thế so sánh của mỗi vùng, mỗi đối tượng cây trồng, vật nuôi, áp dụng KH – KT nhằm tăng năng suất, như vùng trọng điểm lúa thâm canh thuộc các xã Xuân Hải, Hộ Hải, Khánh Hải,…; phát triển chăn nuôi theo hướng nâng chất lượng, số lượng đàn gia súc, gia cầm, tiến đến hình thành trang trại, áp dụng phương pháp bán công nghiệp, vỗ béo gắn quy hoạch đồng cỏ,…

Mặt khác, việc nằm giữa vành đai 2 tuyến giao thông trọng điểm: quốc lộ 1A và tuyến đường ven biển sẽ giúp Ninh Hải có điều kiện thuận lợi để giao lưu kinh tế với các vùng trong tỉnh và các địa phương khác trên cả nước.

Với những lợi thế đó, cộng lợi thế là một trong bốn khu vực ưu tiên phát triển của tỉnh, lại tập trung nhiều dự án lớn như: dự án cải tạo Đầm Nại, cầu Ninh Chử, muối công nghiệp Bắc Tri Hải, tuyến đường 704, tuyến đường ven biển, các dự án về du lịch trọng điểm, dự án xây dựng các cơ sở đào tạo nhân lực có chất lượng và đặc biệt chuẩn bị đầu tư dự án trọng điểm quốc gia – Nhà máy Điện hạt nhân 2 ở Vĩnh Hải, Ninh Hải sẽ là vùng động lực, tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.