Thuận Nam

Với chiến lược phát triển công nghiệp

Liệu có quá lời khi nói rằng khoảng mươi năm tới, bức tranh toàn cảnh của huyện Thuận Nam sẽ sống động với hàng loạt các nhà máy chế biến, cơ khí, điện tử, năng lượng, khu đô thị hiện đại, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp…,là điểm nhấn nổi bật của ngành công nghiệp tỉnh nhà.

Xét trên phương diện tiềm năng, định hướng phát triển của các chuyên gia kinh tế, đến năm 2020, “viễn cảnh” ấy sẽ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, cần có sự quyết tâm, đồng thuận, các chính sách thu hút đầu tư đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt của các cấp chính quyền.

Vùng đất giàu tiềm năng

Với chiều dài bờ biển trên 37 km trải dọc từ Phước Dinh đến Cà Ná, đáy biển sâu, độ mặn cao, có nhiều dãi cát và san hô, thời gian qua, Thuận Nam đã biết khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển, phát triển công nghiệp chế biến và sản xuất muối. Hiện nay, tổng số tàu thuyền của toàn huyện là 1.110 chiếc, với tổng công suất 115.110 CV, sản lượng khai thác hải sản trung bình đạt 38.000 tấn/năm. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có diện tích hơn 440 ha (chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng) và 350 ha diện tích mặt nước nuôi trồng rong sụn, với tổng sản lượng 7.840 tấn/năm. Sản lượng thủy-hải sản khai thác không những cung cấp thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh mà còn là nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu và hơn 500 cơ sở chế biến nước mắm, cá khô, cá hấp trên địa bàn với sản lượng cá hấp đạt 1.500 tấn và 5 triệu lít nước mắm mỗi năm.

Ngư dân huyện Thuận Nam chuẩn bị ngư cụ cho chuyến đánh bắt hải sản xa bờ.
Ảnh: Anh Tuấn

Ngoài tiềm năng về thủy sản, Thuận Nam còn có một số nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản khác như: quặng titan diện tích 2.025 ha; san hô khoảng 10 triệu tấn; cát thủy tinh, đá grannit diện tích hơn 21 ha ở khu vực núi Chà Bang, Gia Ty với trữ lượng khoảng 64.000 m3, đất sét 3,9 ha khai thác sản xuất gạch tuy nen, mỏ nước khoáng Nhị Hà có quy mô lớn, chất lượng đạt tiêu chuẩn, nước có độ nóng cao, thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất nước khoáng đóng chai, kết hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tắm nước khoáng nóng, tắm bùn. Với cánh đồng muối rộng trên 3.000 ha, Thuận Nam là nơi lý tưởng để sản xuất muối công nghiệp, nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa chất sau muối và chế biến muối tinh...

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh ta đã có nhiều dự án xây dựng các khu, cụm công nghiệp như: KCN Phước Nam, CCN Dốc Hầm, CCN Hiếu Thiện. Trong đó KCN Phước Nam có tổng diện tích 370 ha, cơ bản đã hoàn thành các hạng mục công trình san lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống điện…và hiện đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I. Tuy đang trong thời gian đầu tư kết cấu hạ tầng nhưng KCN Phước Nam cũng đã giao đất và cấp giấy chứng nhận cho một số nhà đầu tư như: Công ty CP đầu tư Công nghiệp Nam Trung Bộ để xây dựng Nhà máy sản xuất xỉ titan với công suất 25.000 tấn và 9.000 tấn gang/năm; Công ty cp Bio Ethanol Thái - Việt đầu tư xây dựng nhà máy liên hợp sản xuất ethanol, phân bón và thức ăn gia súc có diện tích trên 60 ha với tổng vốn 950 tỷ đồng …

Tầm nhìn trong tương lai

Theo tư vấn của Tập đoàn Monitor và Arup, định hướng phát triển kinh tế- xã hội tỉnh ta đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì Thuận Nam nằm trong vùng trọng điểm phía Nam ưu tiên phát triển công nghiệp, trong đó tập trung thực hiện 5 dự án động lực: Nhà máy điện hạt nhân, nhà máy điện gió, khu công nghiệp Phước Nam, khu sản xuất muối Quán Thẻ và nhà máy sản xuất các sản phẩm sau muối. Riêng đối với nhà máy điện hạt nhân, xã Phước Dinh đã được chọn làm địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân số 1, với công suất 2.000 MW dự kiến được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên đi vào hoạt động năm 2020. Sau khi dự án được hoàn thành sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội phát triển mạnh mẽ cho huyện nhà.

Ngoài việc tập trung xúc tiến các dự án lớn như: Dự án mở rộng KCN Phước Nam về phía Bắc với diện tích 150 ha, Nhà máy điện gió ở xã Phước Minh, Nhà máy điện mặt trời tại các xã Phước Nam, Nhà máy nước khoáng Nhị Hà có trữ lượng khai thác 1.542m3 nước/ ngày-đêm để sản xuất nước uống đóng chai, dịch vụ tắm nước nóng gắn với du lịch sinh thái hồ Tân Giang và Tháp Pôrômê…, tỉnh đang kêu gọi đầu tư phát triển 2 khu công nghiệp mới là KCN Phước Nam II, nằm trên địa bàn xã Phước Nam với tổng diện tích 200ha và KCN Hiếu Thiện (trên cơ sở mở rộng CCN Hiếu Thiện) nằm trên địa bàn xã Phước Ninh với tổng diện tích 300 ha. Ngoài những thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông, việc hình thành các cụm, các KCN tập trung còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng hạ tầng phục vụ vì các KCN chỉ cách nhau khoảng 700m, nên sẽ có thể dùng chung các hệ thống như: nguồn cấp điện, cấp nước, nguồn xả nước thải, hệ thống thông tin liên lạc… vừa tiện lợi, lại tiết kiệm chi phí xây dựng. Riêng với hệ thống nước, tỉnh ta đã xây dựng một nhà máy cấp nước KCN Phước Nam với quy mô công suất 30.000 m2/ngày-đêm. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất của nhà máy lên gấp đôi đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước sản xuất của các KCN. Bên cạnh đó, tỉnh còn tích cực triển khai việc đầu tư xây dựng cảng hàng hóa tại Cà Ná với công suất bốc dỡ 15 triệu tấn/năm. Như vậy, khi tất cả các dự án được hoàn thành sẽ hội tụ đầy đủ điều kiện thuận lợi về tự nhiên, cơ sở vật chất… cho tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư và triển khai đồng bộ khu đô thị- công nghiệp theo tầm nhìn đến năm 2020. Các dự án kêu gọi thu hút các nhà đầu tư tại các KCN trên địa bàn huyện Thuận Nam chủ yếu những ngành nghề công nghệ cao như: Sản xuất linh kiện điện tử, lắp ráp ô tô, xe máy, công nghiệp vật liệu, cơ khí chế tạo máy… Khi các khu công nghiệp được lấp đầy dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho 32.000 lao động, trong đó lao động địa phương chiếm đến trên 50%. Đặc biệt khi dự án tuyến đường ven biển đang thi công nối Phú Thọ- Mũi Dinh và theo kế hoạch tiếp tục thi công tuyến đường Mũi Dinh- Cà Ná đi qua 3 xã Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná, sẽ tạo động lực cho Thuận Nam phát triển kinh tế- xã hội, sắp xếp lại dân cư ven biển, củng cố quốc phòng, an ninh và khai thác thế mạnh kinh tế biển phục vụ công nghiệp chế biến và du lịch. Trong 5 năm tới, phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng của huyện từ 273 tỷ đồng năm 2010 lên 1.253 tỷ đồng vào năm 2015, chiếm tỷ trọng 44,8%, nâng cao thu nhập bình quân đầu người từ 8,3 triệu đồng/người/năm lên đến 24,7 triệu đồng/người/năm vào năm 2015.