1. Là phóng viên, tôi may mắn được dự nhiều cuộc họp liên quan đến lĩnh vực đầu tư và các hội nghị hoạch định kế họach phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, trong tầm nhìn đến năm 2020. Và tôi “ngộ” ra rằng, Ninh Thuận hội đủ cả hai yếu tố “địa lợi và nhân hòa” để trở thành địa phương giàu có trong tương lai.
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trên đường phát triển. Ảnh: Duy Anh
“Nằm ở cửa ngõ nối liền 3 vùng kinh tế trọng điểm: Đông Nam Bộ -Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, tỉnh ta có hệ thống giao thông khá thuận lợi khi kết nối dễ dàng với xứ sở sương mù du lịch Đà Lạt, thành phố biển Nha Trang và cả “thủ đô resort Phan Thiết”. Thế nhưng tại sao bao năm rồi Ninh Thuận vẫn cứ… “an phận thủ thường” như chính bản chất mộc mạc, chân quê của người dân xứ nắng gió này?”
Tháo gỡ gút thắt cho bài toán phát triển kinh tế – xã hội Ninh Thuận, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh đã khơi gợi ý tưởng, định hướng tìm câu trả lời.
Dưới góc nhìn địa kinh tế, nếu khai thác lợi thế biển – rừng để thu hút khách du lịch, Ninh Thuận không thể bằng Bình Thuận – Khánh Hòa – Lâm Đồng, những trung tâm du lịch nổi tiếng cả nước. Nhìn lại bài toán khai thác tiềm năng khoáng sản, nông nghiệp, thủy sản… vẫn cứ là “lực bất tòng tâm”, nên cuối cùng rồi chỉ quanh quẩn theo kiểu làm... “lấy ngắn, nuôi dài”.
Có người bảo “Vạn sự do thiên định…”, tôi không tin lắm vào triết lý xưa đó, khi nhìn về tương lai tỉnh nhà…
2. Câu chuyện bắt đầu từ tháng 8-2009, khi tỉnh ta là địa phương đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép kêu gọi, huy động nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cộng với một phần ngân sách để thuê tập đoàn tư vấn Monitor (Mỹ) và Arup (Anh) lập qui hoạch về phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; đồng thời xây dựng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đến 2025, tầm nhìn đến 2050.
Dưới “con mắt nhà nghề” của Monitor và Arup, Ninh Thuận là một trong số rất ít địa phương chưa bị xáo trộn bởi tiến trình đô thị hóa, nên có đủ điều kiện và tiềm lực để chủ động sắp xếp nhiều mối tương quan trong qui hoạch và phát triển. Cuối năm 2009, Monitor công bố “diện mạo mới” của Ninh Thuận trong tương lai, bao gồm: chiến lược phát triển kinh tế, đánh giá tình hình môi trường đầu tư; kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, dự báo tăng trưởng và nhu cầu vốn; chiến lược thu hút tài trợ... Và hơn 4 tháng sau đó, ngày 19-3-2010, một “cú hích” trong cải cách hành chính được UBND tỉnh mạnh dạn triển khai: thành lập Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO).
Thu hoạch muối công nghiệp. Ảnh: TL
EDO ra đời đã tạo bước đột phá mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tập đoàn kinh tế lớn, có uy tín trên thế giới như: Posco, Hyundai, Siemen, Polo Beach, Morgan, Federal Owens; Enfinity... Thông qua EDO, tỉnh chấp thuận chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư 70 dự án với tổng vốn đăng ký 160 ngàn tỉ đồng tăng rất nhiều lần so với bình quân những năm trước. Hôm 19-3-2011, nhân kỷ niệm một năm ngày thành lập EDO, một số dự án lớn tiếp tục được trao giấy chứng nhận đầu tư là nhà máy điện gió, điện mặt trời của Công ty Enfinity (Bỉ, với tổng vốn gần 0,9 tỉ USD), khu du lịch cao cấp Mũi Dinh của Công ty Polo Beach - Hồng Công (Trung Quốc) là 4,5 tỷ USD…Rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho rằng với quy trình một cửa liên thông tại EDO, thời gian giải quyết hồ sơ dự án được rút ngắn 2-3 lần. Đặc biệt, thông qua cơ chế liên thông và giao ban định kỳ, nhiều vướng mắc của các nhà đầu tư được xử lý kịp thời, tạo thuận lợi cho tiến trình thực hiện nhanh nhất dự án. Mới đây, khi làm việc Sở KH&ĐT, tôi được biết tỉnh ta đang kêu gọi ít nhất 54 dự án đầu tư, với số vốn xấp xỉ 40.000 tỷ đồng, để đánh thức tiềm năng kinh tế của Ninh Thuận.
3. Từ khu du lịch Cà Ná (Thuận Nam)–một trong những bãi biển được xếp vào hàng “top ten” của cả nước - men theo tuyến biển dọc dài qua những vùng tôm Sơn Hải, Vĩnh Trường, Hoà Thạnh, An Thạnh (An Hải – Ninh Phước), xuôi về các làng chài, làng muối Khánh Hải, Tri Hải, Nhơn Hải của huyện Ninh Hải, để rồi dừng chân trên đỉnh dốc cao nhô ra biển ở thôn Thái An (Vĩnh Hải), tôi có cảm giác sự “trở mình” của quê hương đã bắt đầu.
Bãi biển Cà Ná (huyện Thuận Nam) luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: CTV
Tuyến đường ven biển có tổng chiều dài gần 116 km, từ điểm giáp ranh Bình Thuận kéo dài đến xã Mỹ Thanh (Cam Ranh-Khánh Hòa) được khởi công xây dựng trong năm 2010, với tổng mức đầu tư gần 3.600 tỉ đồng là một trong những dự án chiến lược của tỉnh. Mục tiêu của dự án là tổ chức, sắp xếp lại các vùng định cư cho người dân ven biển, phòng tránh thiên tai, sử dụng hiệu quả quỹ đất, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh địa phương và khu vực Nam Trung Bộ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Xuân Hoà, hơn một lần khi trò chuyện với tôi đã “xuýt xoa” rằng, bờ biển Ninh Thuận là sự nối dài của các vũng, vịnh vùng duyên hải cực Nam Trung Bộ, với nhiều bãi tắm tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng như: Bình Tiên, Vĩnh Hy, Ninh Chử, Cà Ná, Vũng Tròn… nhưng đến nay vẫn còn rất ít người biết đến. Nên vậy, theo quy hoạch của các cơ quan chức năng, tổng quỹ đất sẽ được “đánh thức” sau khi đường ven biển hoàn thành là trên 8.700 ha. Hiện UBND tỉnh đang kêu gọi đầu tư 14 dự án du lịch, chiếm khoảng 3.000 ha dọc tuyến.
Ông Phan Trọng Minh– một doanh nhân chuyên ngành du lịch ở Tp.HCM, cuối năm 2010, khi đến tỉnh ta tìm hiểu môi trường đầu tư đã nhận định: “Tuyến giao thông Cà Ná – Bình Tiên sẽ là đòn bẫy làm bật lên lợi thế kinh tế biển của Ninh Thuận đang còn tiềm ẩn. Nó sẽ kết nối các khu du lịch của 3 tỉnh Khánh Hoà – Ninh Thuận – Bình Thuận, tạo thế liên hoàn, dễ dàng thu hút và giúp du khách thưởng ngoạn vẻ đẹp còn hoang sơ của miền cát cháy xương rồng này.”
Thế và lực của Ninh Thuận là vậy, nhưng theo đồng chí, Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh - để khai thác hiệu quả lực và thế ấy, cần phải chuẩn bị đầy đủ tinh thần, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tăng tốc phát triển để đón đầu cơ hội.
4. Hơn 3 năm qua, Ninh Thuận được cả nước biết đến khi được chọn xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân– mũi “tiên phong” cho ngành năng lượng nguyên tử đầu tiên của Việt Nam.
Gần một năm trước, cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (6-5-2010) do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì với sự tham dự của các bộ, ngành liên quan để khẩn trương tiến hành các bước khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, theo tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 460/2010/QĐ-TTg (ngày 4-5-2010) của Thủ tướng Chính phủ.
Từ đó đến nay, tôi đã 4 lần về các làng biển Vĩnh Trường (Phước Dinh – Thuận Nam), Thái An (Vĩnh Hải – Ninh Hải), để lắng nghe câu chuyện “điện hạt nhân” và cảm nhận được lòng tin cùng sự hy sinh của người dân.
Ông Nguyễn Thành Du, trưởng thôn Vĩnh Trường, chia sẻ: “Vì mục tiêu phát triển đất nước, cả làng phải di dời, dẫu chịu thiệt, mọi người cũng đồng lòng...”. Vĩnh Trường có 173 hộ với gần 700 nhân khẩu, sinh sống ổn định bằng nghề biển. Đến nơi ở mới, bà con rồi phải làm lại từ đầu. “Mong sao Nhà nước sớm đầu tư xây dựng chỗ ở mới thật đàng hoàng, tạo điều kiện để người dân chúng tôi duy trì nghề biển và mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn.” Anh Ngô Văn Đình bộc bạch vậy.
Thôn Thái An (Vĩnh Hải – Ninh Hải) nằm cận kề Vườn Quốc gia Núi Chúa và gần biển, với trên 550 hộ, trong đó khoảng 85% dân số sống chủ yếu bằng các nghề trồng nho, canh tác hành, tỏi.
Tiếp xúc với tôi, nhiều người dân địa phương cho biết, dù chính quyền đã chấp thuận cho tái định cư liền kề với làng cũ, nhưng lo lắng nhất của bà con là đất để sản xuất nông nghiệp. Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho hay, qua vận động tuyên truyền, đa phần người dân địa phương đồng thuận và sẵn lòng di dời, tạo điều kiện tối ưu để dự án có thể khởi động trong ba, bốn năm tới.
Nếu đúng theo lộ trình đã hoạch định, chỉ còn hơn 3 năm sẽ phát lệnh khởi công Nhà máy Điện hạt nhân số 1- Phước Dinh. Mục tiêu được Chính phủ đặt ra là đến năm 2020 Nhà máy điện hạt nhân này sẽ vận hành, phát điện. Sau đó, tiếp tục xây dựng Nhà máy điện hạt nhân số 2 - Thái An. Và trong 15 năm tới (đến 2025) cả 2 nhà máy sẽ hoàn chỉnh với công suất lên đến 8.000 MW.
Bãi tắm Vĩnh Hy - Ninh Hải. Ảnh: Văn Miên
Thế mạnh kinh tế biển, du lịch, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và cả tiềm năng về năng lượng nguyên tử, rất có thể vài năm tới, khi “bước 1” của chiến lược phát triền kinh tế - xã hội địa phương hoàn thành, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tìm về Ninh Thuận. Tương lai khá sáng, nhưng vấn đề còn lại đòi hỏi các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng cần tính đến là vấn đề nâng cao dân trí để xứng tầm với sự phát triển ấy – một sự phát triển vững bền!
Ký sự của Lê Trường