Đổi mới của thành phố hôm nay là có sự quan tâm đầu tư trọng điểm của tỉnh, sự linh hoạt trong chỉ đạo điều hành chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển đô thị của Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, trong đó chú trọng đến lợi thế so sánh chọn ngành thương mại-dịch vụ làm khâu đột phá.
Đại hội Đảng bộ Tp. Phan Rang-Tháp Chàm lần thứ VII (1996-2000) chọn Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển ngành thương mại-dịch vụ. Sau hơn 10 năm thực hiện tiến trình phát triển đô thị, ngành thương mại-dịch vụ của thành phố có tốc tăng trưởng cao, vượt lên đứng đầu nền kinh tế. Vì vậy Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội lần IX (2005-2010) vào tháng 8 năm 2008, Đảng bộ thành phố đã xác định lại cơ cấu nền kinh tế là thương mại-dịch vụ, công nghiệp-xây dựng và nông nghiệp-thủy sản. Đó là định hướng đúng đắn, kịp thời của Đảng bộ Tp. Phan Rang-Tháp Chàm nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa nền kinh tế phát triển theo hướng nhanh và bền vững.
Tp. Phan Rang -Tháp Chàm về đêm. Ảnh: Văn Bửu
Trong 5 năm (2005-2010), tốc độ tăng trưởng bình quân ngành thương mại-dịch vụ là 15,82%, chiếm 57,9% GDP. Đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Phó chủ tịch UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: “Ngành thương mại-dịch vụ của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm phát triển mạnh trong 10 năm trở lại đây, nhất là từ năm 2005. Cùng với chính sách ưu đãi của tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác cải cách thủ hành chính ở các cấp, quan tâm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để nhanh chóng giao đất cho các chủ đầu tư, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư phát triển mạng lưới chợ… vì vậy đã khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh lĩnh vực này”. Đòn bẩy thúc đẩy ngành thương mại-dịch vụ của thành phố phát triển đó là hạ tầng kỹ thuật đô thị đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Thực hiện chủ trương mở rộng không gian đô thị, kéo theo đó hệ thống giao thông đã phát triển rộng khắp tạo thuận lợi cho việc vận chuyển lưu thông hàng hóa giữa thành phố với các địa phương trong tỉnh. Thành phố đã hình thành được nhiều khu thương mại cả ở Phan Rang và Tháp Chàm, trở thành trung tâm mua sắm, trao đổi hàng hóa của cả tỉnh. Hệ thống chợ được đầu tư xây dựng đều khắp trong nội đô cũng như ngoại thành. Toàn thành phố có 19 chợ, trong đó có 1 loại 1, 4 chợ loại 2 và 14 chợ loại 3. Thực hiện chủ trương xã hội hóa, trên địa bàn thành phố đã có 3 chợ: Phan Rang, Phước Mỹ và Mương Cát do các doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư xây dựng.
Thời gian gần đây ngoài sự hiện diện của Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà, nhiều cửa hàng, cơ sở phân phối lớn của các tổng công ty, tổng đại lý trong cả nước có mặt tại thành phố vì vậy lượng hàng hóa lưu chuyển trong thị trường lớn, phong phú về sản phẩm, đa dạng về mẫu mà, tạo thuận lợi người tiêu dùng trong tỉnh có nhiều cơ hội chọn lựa sản phẩm, đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý và được tiếp cận hình thức kinh doanh hiện đại. Hiện thành phố có 7.800 doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, với tổng vốn đăng ký là 7.840 tỷ đồng, chiếm 70% so với toàn tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 26,2%, riêng năm 2010 gần 4.500 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với năm 2005.
Mở rộng mạng lưới kinh doanh văn minh đô thị. Ảnh: Văn Thanh
Đứng chân trên địa bàn thành phố có 7 ngân hàng thương mại, 4 doanh nghiệp hoạt động viễn thông vì vậy đã tạo được sức cạnh tranh lớn trong vấn đề giải ngân cho các thành phần kinh tế và đáp ứng dụng nhu cầu sử dụng phương tiện thông tin đa mục đích nắm bắt kịp thời cơ hội đầu tư mở rộng kinh doanh. Thời gian gần đây các lĩnh vực giao thông, vận tải được các doanh nghiệp, cá nhân chọn Phan Rang-Tháp Chàm là điểm đầu tư hiệu quả. Không chỉ tăng lên về số lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách mà các nhà kinh doanh chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ thông qua việc đầu tư phương tiện mới, hiện đại, thông thoáng trong kinh doanh. Đã có 39 doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh, với 274 đầu xe đăng ký khai thác trên địa bàn; hàng năm luân chuyển hành khách tăng 16,7%, vận tải hàng hóa tăng 15,6%.
Thành phố đang tập trung khai thác tiềm lực kinh tế biển, thông qua phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ du lịch. Từ lợi thế giao thông tuyến đường ven biển và quy hoạch bãi biển Bình Sơn là điểm nhấn của du lịch của tỉnh, trên địa bàn thành phố đã có 56 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, tăng 34 cơ sở so với năm 2005. Dự án Công viên biển Bình Sơn-Ninh Chử, với diện tích 25 ha, tại phường Mỹ Bình được khởi công trong năm 2010 sẽ hứa hẹn là nơi thu hút du khách đến với Phan Rang-Tháp Chàm.
Đại hội Đảng bộ lần thứ X (2011-2015) Tp. Phan Rang-Tháp Chàm xác định tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển đô thị, theo đó thương mại-dịch vụ được chọn là ngành đột phá để xây dựng thành phố trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ-du lịch của cả tỉnh.
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Ảnh: Duy Anh
Trên tinh thần đó thành phố tập trung phát triển ngành thương mại-dịch vụ theo hướng hiện đại, mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động. Thông qua quy hoạch mở rộng không gian đô thị, thành phố có kế hoạch xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị ở Tháp Chàm và các khu đô thị mới: Đông Hải, Mỹ Bình, Mỹ Hải, Mỹ Đông. Hình thành hệ thống chợ đầu mối nông sản, thủy sản. Phát triển mạng lưới chợ theo hướng xã hội hóa, chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh chợ từ nhà nước sang doanh nghiệp, HTX nhằm khai thác tối đa hiệu quả kinh tế. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch theo hướng đa dạng, chọn du lịch biển gắn với tham quan văn hóa, di tích lịch sử, nghỉ dưỡng. Hình thành các khu du lịch trọng điểm, quy mô lớn đạt chuẩn 4-5 sao ở vùng biển Bình Sơn. Mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông trong nội thành để phát triển dịch vụ vận tải, vận chuyển hành khách nhằm đáp ứng nhu cầu cho lưu thông hàng hóa trong tỉnh và ngoài tỉnh. Thành phố tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ có giá trị tăng cao như: Tài chính-tiền tệ, bảo hiểm theo hướng hiện đại, từng bước hình thành thị trường vốn, dịch vụ cho thuê tài chính, kinh doanh bất động sản, điểm giao dịch chứng khoán để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Quảng bá, xây dựng thương hiệu hàng hoá cho những sản phẩm truyền thống của địa phương như: Nho, táo, tỏi, nước mắm…; tăng cường hợp tác liên kết với các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để phát triển và nâng cao chất lượng ngành dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Thành phố phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng ngành thương mại-dịch vụ bình quân 21%/năm, chiếm 63-64% cơ cấu nền kinh tế; thu nhập bình quân đầu người vào năm 2015 từ 41-42 triệu đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2010.
Hiện nay, Phan Rang-Tháp Chàm đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị để tiến tới đạt chuẩn đô thị loại 2 vào năm 2015, đây sẽ là thuận lợi lớn thúc đẩy ngành thương mại-dịch vụ đi lên theo hướng hiện đại, góp phần đưa nền kinh tế của thành phố phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm là trung tâm kinh tế-chính trị của tỉnh nhà.
Đặng Hữu