Đồng chí Đỗ Quốc Trí, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp cho biết, Cụm công nghiệp Thành Hải là một trong những điểm sáng về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Cụm Công nghiệp có diện tích mặt bằng 26,75 ha bao gồm 17,75 ha đất xây dựng nhà máy và 9 ha đất cây xanh, giao thông nội bộ, trung tâm điều hành. Ngân sách tỉnh đầu tư hệ thống đường giao thông rộng 7,5 mét khép kín liên hoàn kết nối với quốc lộ 1A và tỉnh lộ 704. Hệ thống cấp điện từ trạm biến áp 110/22KV Tháp Chàm bảo đảm điện động lực và điện sinh họat, chiếu sáng. Hệ thống cấp nước từ Nhà máy nước Phan Rang có công suất 2.000 m3 bảo đảm nước sinh hoạt, sản xuất. Hệ thống thoát nước thải dài gần 1.500 mét đưa vào trạm xử lý có công suất 1.400 m3.
Sản xuất tấm trần thạch cao ở Xí nghiệp Thạch cao Mỹ Đức.
Từ giữa năm 2005 đến nay, cụm công nghiệp Thành Hải thu hút 7 doanh nghiệp thuê mặt bằng xây dựng nhà xưởng sản xuất với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng. Trong đó có các đơn vị: Công ty TNHH Thương mại- Xây dựng Hoàng Nhân vốn đầu tư 18,6 tỷ đồng, thuê 36.975 m2 đất chuyên sản xuất bê-tông tươi, bê-tông nhựa nóng, cấu kiện bê-tông đúc sẵn, mạ kẽm inox, sơn tĩnh điện thép hộp. Xí nghiệp chế biến thạch cao vốn đầu tư 1,2 tỷ đồng thuê 12.475m2 chế biến thạch cao tinh và các sản phẩm từ thạch cao. Công ty TNHH Thương mại- Xây dựng và Dịch vụ may thêu xuất khẩu Hoàng Anh vốn đầu tư 84 tỷ đồng, thuê 45.464 m2 chuyên may công nghiệp xuất khẩu. Công ty Cổ phần Thăng Long vốn đầu tư 21 tỷ đồng, thuê 16.560 m2 chuyên sản xuất vang nho...
Sản xuất sản phẩm nước yến tại công ty Yến Việt. Ảnh: TL
Các doanh nghiệp đầu tư tại Cụm Công nghiệp Thành Hải tạo việc làm thường xuyên cho trên 600 lao động với mức thu nhập trung bình 1,5- 3 triệu đồng/tháng. Trong đó, đơn vị thu hút đông nguồn lực lao động là Công ty TNHH Thương mại- Xây dựng Hoàng Nhân có 185 công nhân và thấp nhất là Công ty Cổ phần Thăng Long có 6 công nhân. Doanh thu năm 2010 của 7 doanh nghiệp nói trên đạt 51 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2009, nộp ngân sách gần 5 tỷ đồng. Riêng Chi nhánh thuốc lá Sài Gòn mới xây dựng đi vào hoạt động tháng 12 năm 2010 nên doanh thu chỉ đạt 6.960 triệu đồng, nộp ngân sách địa phương 3.468 triệu đồng. Kỹ sư Lê Nguyên Tố, Giám đốc Chi nhánh thuốc lá Sài Gòn cho biết: "Đơn vị có 28 công nhân sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/ tháng. Kế hoạch sản xuất năm 2011 của đơn vị đạt sản lượng 20 triệu bao thuốc lá điếu. Chi nhánh thống nhất với Cục Thuế tỉnh nộp ngân sách địa phương 24 tỷ đồng trong năm 2011. Nếu phát triển thị trường tiêu thụ, chi nhánh đưa sản lượng hàng năm lên 40 triệu gói thì mức nộp ngân sách cho tỉnh nhà tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng đã quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Ngô Văn Thái, Giám đốc Xí nghiệp Thạch cao Mỹ Đức chia sẻ niềm vui:”Qua 6 năm dời cơ sở từ phường Phước Mỹ về Cụm Công nghiệp Thành Hải, được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” giúp đơn vị "ăn nên làm ra". Ngoài các sản phẩm truyền thống như thạch cao tinh, chế phẩm Gypsum xử lý đìa nuôi tôm, xí nghiệp nghiên cứu sản xuất thành công tấm trần thạch cao đem lại tiện ích cho người tiêu dùng. Tấm ốp trần thạch cao thương hiệu Nisaco được thị trường các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên ưa chuộng. Năm 2010 vừa qua, Xí nghiệp có 50 lao động sản xuất thạch cao tinh, sản lượng 5.000 tấn và đưa ra thị trường trên 100 ngàn tấm ốp trần. Giá trị sản xuất hàng năm đạt trên 5 tỉ đồng, nộp ngân sách gần 500 triệu đồng, lương công nhân bình quân 3 triệu đồng/tháng, tăng gấp hai lần so với năm 2005. Sản xuất phát triển, đời sống công nhân nâng cao, thu hút người lao động gắn bó lâu bền với doanh nghiệp”.
Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục bàn giao mặt bằng mở rộng Cụm Công nghiệp Thành Hải đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII xác định nhiệm vụ giai đoạn 2011-2015: “Trọng tâm phát triển công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến là động lực để tăng trưởng bứt phá kinh tế của tỉnh và chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đưa giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 26% -27%”.
Cụm Công nghiệp Thành Hải là một trong những dự án thu hút đầu tư quan trọng của tỉnh ta giai đoạn 2006- 2010. Việc tiếp tục xây dựng nhà máy bia Sài Gòn- Ninh Thuận và Nhà máy Chế biến Thủy sản Thông Thuận 2 tạo thêm điểm nhấn, đưa bức tranh kinh tế công nghiệp của tỉnh khởi sắc trong năm 2011.
Sơn Ngọc