Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Bác Ái chưa xuất hiện mưa kèm theo đó là tình trạng nắng nóng đã làm lượng nước tại nhiều hồ chứa, sông suối và các mạch nước tự nhiên giảm đi đáng kể. Chính những bất lợi từ thời tiết đã làm cho 478 ha phải dừng sản xuất trong vụ đông-xuân (riêng xã Phước Bình, huyện đã chỉ đạo không sản xuất), toàn huyện chỉ gieo trồng 1.664ha/2.400ha; diện tích lớn đồng cỏ tự nhiên dần bị thu hẹp làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi của người dân.
Nông dân xã Phước Hòa tích cực chuyển đổi sang các cây trồng chịu hạn.
Theo Trạm Thủy nông huyện, mực nước tại hồ Sông Sắt, Trà Co hiện còn khoảng 35% dung tích thiết kế, đủ phục vụ nước cho sinh hoạt và sản xuất trong vụ đông-xuân. Các hồ Phước Nhơn và Phước Trung đang ở mực nước chết, chỉ có thể cung cấp nước cho gia súc uống, cấp nước cho cây trồng lâu năm trong thời gian ngắn. Với những khó khăn trên, chính quyền và nhân dân địa phương đang chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm ứng phó với tình trạng nắng hạn. Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Địa phương xác định 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai ngay lập tức: Không để nhân dân thiếu nước sinh hoạt; không để thiếu đói; không để phát sinh dịch bệnh; quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc. Cụ thể trong từng nhóm nhiệm vụ, huyện Bác Ái đã tăng cường đôn đốc các xã tập trung tuyên truyền cho người dân tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy nhằm tận dụng nguồn nước cho sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn; chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc, triển khai công tác tiêm phòng bắt buộc trên đàn gia súc, gia cầm; rà soát, thống kê các hộ dân khó khăn do hạn gây ra để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang đứng trước thách thức của nắng hạn, các xã đã triển khai các phương án phòng, chống hạn và kế hoạch sản xuất phù hợp với thực tế của từng địa phương để không bị động, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của Nhân dân. Trong đó, Phước Trung là địa phương “ăn nước” chính từ hệ thống hồ Phước Trung và Phước Nhơn nhằm phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Với tình hình lượng nước hồ đang ở mức rất thấp, cùng với đó nhiều diện tích đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp, “thủ phủ” chăn nuôi của huyện tập trung duy trì đàn gia súc, chủ yếu là bò, cừu, dê. Trong đó, địa phương tập trung tuyên truyền, vận động bà con chủ động tích trữ thức ăn, nước uống cho đàn gia súc, đồng thời xây dựng các mô hình trồng cỏ kèm theo tưới nước tiết kiệm. Theo ghi nhận của chúng tôi tại thôn Đồng Dày, hiện nay, nhiều chủ trang trại và bà con đã đào ao lấy nước cũng như tích trữ lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp, đảm bảo lượng thức ăn và nước uống cho gia súc trong khoảng thời gian từ 3, 4 tháng tới. Còn với xã Phước Hòa, giải pháp lâu dài để ứng phó với tình trạng nắng hạn là tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây trồng chịu hạn, cây trồng lâu năm. Hiện nay, tại cánh đồng mẫu lớn thôn Chà Panh rộng 42 ha, địa phương đã vận động bà con chuyển đổi toàn bộ cây lúa nước sang trồng bắp xen canh với cây họ đậu nhằm thích ứng với lưu lượng nước trên sông Cái đang giảm dần. Song song đó, địa phương cũng vận động bà con địa phương dự trữ nước cho sinh hoạt cũng như cho đàn gia súc.
Với những nỗ lực trong triển khai các giải pháp ứng phó với hạn và ổn định sản xuất, cho thấy cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân huyện Bác Ái đã chủ động trong công tác phòng, chống hạn. Đây chính là biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng do nắng hạn gây ra.
Lê Thi