Đặc biệt là việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình hội viên nông dân.
Trong các thành tích đạt được nổi lên là Hội đã phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ hội viên về nguồn vốn sản xuất. Cụ thể tạo điều kiện cho 168 hộ nông dân vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn của địa phương với tổng số tiền ước đạt trên 4,9 tỷ đồng để thực hiện 22 dự án. Trong đó điển hìnhcó dự án trồng và cải tạo vườn cây ăn trái ở xã Lâm Sơn, dự án đầu tư máy sấy khô nông sản tại thị trấn Tân Sơn; cho hộ vay lên đến 100 triệu đồng để thực hiện mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó còn có các dự án gắn với các tổ hội nghề nghiệp như: chăn nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi bò sinh sản, trồng mỳ cho nông dân. Cùng với nguồn quỹ hội, Hội Nông dân huyện, xã đã tích cực phối hợp ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tín chấp cho trên 4 ngàn hộ nông dân vay vốn, với tổng dư nợ ước đạt trên 222 tỷ đồng. Hoạt động tín chấp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 2.735 hộ vay, với tổng dư nợ 81 tỷ đồng. Nhờ đó, hàng năm đã giúp cho hàng ngàn lượt nông dân có nguồn vốn đầu tư sản xuất và gắn bó tham gia tốt các phong trào hội; đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã Lâm Sơn. Ảnh: A.Tuấn
Hàng năm, Hội đã vận động trên 6 ngàn hộ hội viên đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đạt 100% kế hoạch. Điển hình có một số hội viên là điển hình phong trào nông dân sản xuất giỏi toàn quốc như: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản và dịch vụ thu mua khoai mì cho nông dân của anh Nguyễn Thất ở thôn Hạnh Trí (xã Quảng Sơn); mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi heo đen của ông Mấu Văn Bấn, ở thôn Lương Giang (xã Lương Sơn) đã cho thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm; mô hình trồng xoài cát của anh Lê Châu Cường, thị trấn Tân Sơn; ông Sán Văn Quay ở thôn Nha Húi (xã Mỹ Sơn) nhờ áp dụng hiệu quả khoa học-kỹ thuật và thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm, canh tác đạt năng suất cao, kết hợp trồng cỏ chăn nuôi bò sinh sản; hộ ông Thái Văn Âu, thôn Ú, xã Ma Nới với mô hình sáng chế máy tách vỏ lụa và máy hạt bắp góp phần giảm công sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất…
Trong xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội luôn xây dựng và nhân rộng hoạt động có hiệu quả các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn. Điển hình như mô hình “thu gom rác thải vật tư nông nghiệp” tại xứ đồng Tà Lâm 2, xã Ma Nới và tại xứ đồng Đất đỏ, đội 4, xã Lương Sơn và tại xứ đồng Lương Cang 2 và Lương tri của xã Nhơn Sơn; mô hình tuyến đường “sáng, xanh, sạch, đẹp” tại khu phố 5, thị trấn Tân Sơn và các xã Hòa Sơn, Quảng Sơn; mô hình vệ sinh môi trường tại thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn và tại thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn. Các cấp Hội đã xây dựng, duy trì và nhân rộng được 8 mô hình dịch vụ, tư vẫn hỗ trợ nông dân. Tham gia xây dựng được 2 Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới và nhiều mô hình thiết thực trong xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, Hội còn mở các lớp dạy nghề, chuyển giao các kiến thức khoa học kỹ thuật về cây trồng vật nuôi, giúp bà con nâng cao năng suất giảm thiệt hai do dịch bệnh, sau thu hoạch.
Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động, trong thời gian tới Hội Nông dân huyện tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn, các chương trình, dự án, mô hình sinh kế, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện sẽ tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tìm tòi, sáng tạo xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao. Qua đó nâng cao thu nhập cho cán bộ, hội viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Anh Tuấn